Bài văn miêu tả người hay

NGƯỜI CỦA THẾ KỈ TRƯỚC

Đó là cụ Đinh Thị Khuyên, người làng Bò, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Đến cái Tết con Lợn này, cụ mới tròn … 106 tuổi xanh. Thế nhưng trông vóc dáng cụ, nhất là nghe cụ nói, thì chẳng ai nghĩ cụ là người của thế kỉ trước. Bởi cụ có vẻ như rất trẻ, lại xăm xăm nhanh nhẹn như người đương thì. Gương mặt căng. Da đỏ hồng. Tai dài như tai Phật. Mái tóc cắt ngắn, loáng thoáng vài ba sợi bạc. Đôi mắt đen và sắc. Cụ vẫn tự xâu kim, khâu vá mà không phải nhờ con cháu. Giọng cụ sang sảng. Điều đáng kinh ngạc nữa là cụ có trí nhớ lạ kì, lại sắc sảo, thông minh và hóm.

Tôi ngồi lặng lẽ ngắm cụ như ngắm một ngôi chùa cổ. Hình như điều đó làm cụ ngạc nhiên:

– Sao? Anh trông tôi có giống con voi không? Chỉ có con voi mới sống dai thế chứ! Tôi là con voi đấy. Con voi một ngà!

Thực ra, voi không phải là con vật sống lâu. Theo các nhà sinh học, thì con voi nào khỏe nhất cùng lắm cũng chỉ “thọ” được đến bảy mươi năm.

– Thế thì tôi là mẹ của con voi rồi!

cu gia - Bài văn miêu tả người hay

Người của thế kỉ trước

Cụ Khuyên lại cười. Nụ cười có vẻ như là bỡn cợt. Và tôi lại rơi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Không thể ngờ đó lại là ngôn ngữ của bà cụ 106 tuổi. Tôi vội bật máy ghi âm, trong đầu chợt nảy ra ý định ghi lại nguyên xi cuộc nói chuyên, để làm ki niệm, để bè bạn cùng nghe, kẻo sợ kể về cụ, nhiều người không tin, lại cho là tôi bịa chuyện.

Xem thêm:  Cảm nhận của em về đoạn trích Đất Nước trong Trường ca Mặt đường khát vọng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

– Tôi chỉ còn có mỗi một cái răng thôi. Thế nên mới là con voi một ngà. Cụ Khuyên giải thích cái câu nói hóm hỉnh vừa rồi. Dường như cụ sợ tôi không hiểu. – Răng tôi rụng sớm lắm. Rụng hai mươi năm rồi. Năm ấy, tôi mới có … 86 tuổi. 

(TRẦN ĐĂNG KHOA,

Đảo chìm, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2000)

MỘT EM BÉ

Em Tuyết của tôi vừa được 5 tháng. Nó mập tròn, trắng như hòn bột, khác hẳn với các trẻ khác trong làng. Hai mắt đen nhánh và trong vắt. Thấy gì nó cũng nhìn. Nó cười nhiều hơn là khóc. Ai bồng bế nó cũng được.

Mẹ tôi ẵm nó ở trước ngực, để tay chân nó được tự do. Hai tay nó cào không khí một cách vụng về, hai chân nó đạp lung tung.

Khi người này bỗng nó chuyển sang người khác, khi các cô bạn mẹ tôi hôn hít nó, một hồi nó thấy chán và đói bụng, nó òa lên khóc. Tức thì mẹ tôi nâng niu nó, cho nó bú và dỗ nó ngủ.

(Từ Phát, Việt luận,

Thanh Quang, Sài Gòn, 1970)

Từ khóa tìm kiếm

  • bài văn tả người
  • văn tả người