Suy nghĩ của em về ca dao, dân ca Việt Nam

Đề bài: Suy nghĩ của em về ca dao, dân ca Việt Nam.

Ca dao, dân ca là bộ phận văn học dân gian phản ánh tâm tư, tình cảm của người bình dân. Có nhiều cách cảm nhận khác nhau.

Với em, em rung động khi đọc ca dao, dân ca về tình yêu đôi lứa.

Nói về tình yêu thì thật vô cùng. Nhưng trong bài viết hạn hẹp này, chúng ta thử tìm hiểu xem ông bà ta ngày xưa yêu nhau như thế nào.

Thế Lữ có câu:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy 

Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên.

Thật đúng với xưa và nay. Ai bảo người xưa không biết lưu luyến, vấn vương từ ánh mắt đầu tiên:

Cây đa trốc gốc  

Thợ mộc đang cưa

Gặp em đứng giữa ban trưa

Trách trời vội tối, phân chưa hết lời.

Họ cũng ngượng ngùng đấy chứ. Gặp nhau e thẹn chẳng nói nên lời, cứ đứng mà lắp bắp mãi, đến khi trời tối lại trách trời không để mình nói hết lời. Âu cũng là tâm lí thường tình. Nhưng anh chàng sau đây mới thật là lạ, anh dám đi theo nắm vạt áo cô gái. Đến khi cô thốt lên:  

Chàng buông vạt áo em ra 

Để em đi bán kẻo hoa em tàn.

Thì anh đáp ngay:

Hoa tàn thì mặc hoa tàn 

Mấy thuở gặp nàng nàng biểu buông ra.

Quả là một sự chọc ghẹo đáng yêu. Nghe anh nói vậy, cô gái nỡ lòng nào dứt áo mà đi cho đành. 

Khi đã qua cái thuở ban đầu lưu luyến ấy thì họ có khi là chàng trai, có lúc là cô gái liền tiến thêm một bước sâu hơn vào trái tim người mình yêu.

Có người chỉ dám gieo một dấu hỏi lửng lơ:

Xem thêm:  Tâm trạng và cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài Tiếng hát đi đày

Thân em như đoá hoa rơi 

Phải chăng chàng thật là người yêu hoa?

Cô gái ở đây ví mình mềm yếu như đoá hoa rơi và ướm thử chàng trai đối diện không biết có phải là người yêu đoá hoa rơi đó không. Chắc rằng, chàng trai nào được hỏi vậy cũng sẽ mừng lắm vì biết cô gái đã trao chìa khoá vào tay mình. Nhưng không phải chàng trai nào cũng vớ được sung rụng như vậy. Đa số các anh chàng phải ngỏ lời trước:

Ôi em nho nhỏ bứt cỏ giữ trâu 

Bước qua năm mới anh bưng trầu cưới em?

Anh chàng này khôn thật, anh hỏi mà như khẳng định luôn.Chữ được không đáng lẽ phải đặt vào cuối câu đã bị anh khôn khéo giấu đi khiến câu nói trở thành: Bước qua năm mới anh bưng trầu cưới em!. Anh đã nói như vậy thì dẫu cô gái muốn từ chối củng không được.

Chỉ cần một cái nắm vạt áo, một câu hát trao duyên, một câu hò đối đáp mà tình cảm nam nữ ngày xưa đã được bện chặt với nhau. Tình yêu của họ ý nhị nhưng không kém phần nồng nàn, tha thiết. Yêu sâu đậm đến mức chưa gặp nhau thì:

Em ôm bó mạ xuống đồng 

Miệng ca, tay cấy mà lòng nhớ ai.

ca dao 1 - Suy nghĩ của em về ca dao, dân ca Việt Nam

Ca dao, dân ca vẫn là viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân tộc

Miệng thì ca hát theo chúng bạn, tay thì cấy xuống ruộng sâu nhưng tấm lòng cô gái lại đang hướng về một chàng trai, người mà cô trao cả trái tim yêu. Chắc chắn, tâm trí của cô không thể chú ý đến mọi vật xung quanh. Không biết sẽ ra sao nếu bạn bè cô chợt hỏi cô một câu hỏi vu vơ nào đó? Có lẽ gò má cô thôn nữ kia sẽ đỏ hồng, tay chân luống cuống như bị bắt quả tang làm việc mờ ám. Đến khi gặp nhau, họ sẵn sàng:

Xem thêm:  Cảm nhận vẻ đẹp tình cảm cha con trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng và “Lão Hạc” của Nam Cao

Yêu nhau cởi áo cho nhau 

Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.

Yêu nhau cởi nhẫn trao nhau 

Về nhà dối mẹ qua cầu đánh rơi.

Yêu nhau cời nón trao nhau 

Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.

Ôi trời, hai người yêu nhau này thật là liều. Dám giấu cha, giấu mẹ trao vật làm tin thế này thật là quá sức tưởng tượng. Lỡ mà cha mẹ hai bên biết được thì không biết họ sẽ ăn nói ra làm sao. Nhưng chắc cũng không sao, ai nỡ trách những con người đang ngất ngây vì yêu như họ.

Khi yêu nhau, không chỉ đồ vật là của chung mà bố mẹ cũng là chung:

Khăn trắng anh chít cho ai 

Có phải anh chít cho phụ mẫu thì hai ta chít cùng.

Cô gái nào nói được như vậy thì không những làm mát lòng người yêu mà còn khiến cha mẹ dưới suối vàng cũng hả lòng, hả dạ. Nghe những lời nói hiếu thảo ấy, có lý nào chàng trai không trao vành khăn tang trắng cho cô gái cũng như trao cả cuộc đời mình cho cô.

Tuy rằng yêu nhau nồng nàn như thế, họ vẫn có lúc phải ai về nhà nấy. Và thế là:

Ra về luỵ ứa thân hào 

Nỗi thương day dứt, nỗi sầu vấn vương.

Rồi thì: 

Người ơi, người ở đừng về.

Gặp nhau đó, để rồi chia tay, ai mà không buồn không nhớ đến mức dẫu lìa ngó ý vẫn còn tơ vương.

Để không còn phải xa cách, đau đớn như họ đang phải trải qua,chỉ có một giải pháp: hôn nhân. Nhưng đâu thể đơn giản như vậy được:

Xem thêm:  Suy nghĩ về câu nói Một ngày so với một đời người là quá ngắn, nhưng một đời người lại là do mỗi ngày tạo nên

Trăm năm tính cuộc vuông tròn 

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông. 

Khi đã qua công đoạn khó khăn ấy, với những xét nét của đôi bên họ hàng, họ ước nguyện trăm năm:

Đá dầu nát, vàng dầu phai 

Trăm năm duyên nợ chẳng phai lời nguyền.

Trao nhau con tim yêu cháy bỏng, họ trao cả tấm lòng thuỷ chung. Những cặp vợ chồng như vậy thật hạnh phúc. Dù thời gian có lâu bao nhiêu, dù không gian có đổi khác bao nhiêu, họ vẫn bên nhau với tình yêu thuỷ chung son sắt. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân nào cũng vẹn toàn như vậy. Vẫn có người vợ phải than:

Gió đưa bụi chuối sau hè 

Anh mê vợ bé bỏ bầy con thơ.

Vẫn có những lời ru não lòng:

Trăm năm xe sợi chỉ điều 

Sao anh nắng sớm mưa chiều thế anh ?

Nhưng dù sao, được yên bề gia thất hay trăm năm đành lỗi hẹn hò: được sống trong cảnh gia đình yên ấm bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ hay cửa nhà tan tác, chồng một nơi, vợ một nẻo thì tình cảm đôi lứa vẫn luôn có một ý nhị và đắm say.

Tình yêu mặn mà và duyên dáng làm sao. Ca dao, dân ca tinh tế và thật tuyệt vời. Đó là cái hay, cái đáng quý của ca dao, dân ca.

Ngày nay, ca dao, dân ca vẫn là viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân tộc. Ca dao, dân ca vẫn là những tác phẩm văn học có sức truyền cảm lâu bền trong lòng hậu thế.

VÂN TRANG

(Lớp 10 chuyên Văn –

Trường PTTH Ngô Quyền – Đồng Nai)