Suy nghĩ về tình trạng tai nạn giao thông

Đề bài: Em thấy gì qua những con số người chết và bị thương do tai nạn giao thông theo báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông: Năm 2007 có 1.4600 vụ tai nạn giao thông, làm chêt 13.200 người, bị thương 10.500 người. Trong tháng 11 năm 2008, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 11,5 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 11,4 nghìn người và bị thương 7,4 nghìn người. Còn hai tháng đầu năm 2009 có 2054 vụ, làm chết 1940 người, bị thương 1374 người (Diễn đàn ATGT Bộ Giao thông vận tải – Ủy ban ATGT quốc gia trên mạng Internet).

Theo em, giải pháp tận gốc cần thực hiện là gì ? Là người trực tiếp tham gia giao thông hằng ngày, em nghĩ gì về tình trạng giao thông nước ta hiện nay?

BÀI LÀM

Trong một buổi họp mặt giao lưu tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai – TP. Hồ Chí Minh, một bạn sinh viên người Pháp đã nói ‘Thành phố của các bạn rất đẹp, nhưng xe cộ lưu thông thì kinh khủng quá, làm thế nào mà tránh được tai nạn giao thông”. Một nhận xét thật xác đáng và đây cũng chính là nỗi lo âu của tất cả mọi người sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Không chỉ đối với Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, mà hầu hết trên tất cả các tỉnh thành trong cả nước vấn đề tai nạn giao thông đã ngày càng trở nên gay gắt, nhức nhối trầm trọng, số vụ tai nạn giao thông năm sau luôn cao hơn năm trước. Chẳng hạn năm 2008, cả nước đã xảy ra 11.580 vụ, làm chết 10.835 người, bị thương 7.453 người, thế mà chí mới 4 tháng đầu năm 2009 đã xảy ra 4.165 vụ làm chết 3.160 người, bị thương 2.428 người. Tại TP. Hồ Chí Minh chỉ riêng năm ngày nghỉ lễ từ 29/4 đến 3/5/2009 đã xảy ra 160 vụ tai nạn làm chết 163 người, bị thương 139 người. Phòng CSGT đường bộ đã bắt giừ 91.282 trường hợp vi phạm luật giao thông, 562 người bị tước giấy phép lái xe và phải đi học lại luật giao thông…

Khi đọc qua những số liệu này bất kì ai cũng phải giật mình vì sự thiệt hại về người và của quá khủng khiếp, có khác gì sự thiệt hại do “sóng thần” đã tàn phá một số nước châu Á mấy năm trước đây.

Bây giờ cứ cầm bất kì tờ báo nào lên đọc, cũng đều thấy nói đến tai nạn giao thông. Mà tình trạng này thực ra đâu có xa lạ gì với xã hội chúng ta. Người ta tuyên truyền, nêu ra rất nhiều nguyên nhân để kêu gọi mọi người hãy cảnh giác, kiềm chế, tự giác chấp hành những quy định về luật lệ giao thông, để có thể tránh những tai nạn đáng tiếc. Ấy thế mà tai nạn vẫn cứ xảy ra. Một thực tế đau lòng là ngày nào ở nước ta cũng có nhiều người bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông với những hậu quả rất bi thảm đau lòng. Vậy mà nhiều người vẫn chưa thấy sợ, có người lại nói rằng: “Sống hay chết cũng đều có số. Ông Trời mà đã xoá “số hộ khẩu” thì chạy đâu cho thoát” v.v… Nhưng nếu tìm hiểu kĩ về các vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, thì đa số là do phóng nhanh, vượt ẩu, lấn tuyến, chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, là do sự lơ đãng, thiếu tập trung, không làm chủ được tốc độ. Do say rượu, thiếu ma tuý, cũng có khi xe đã quá cũ, hư hỏng mà chủ quan không chịu sửa chữa. Một phần nữa cũng do đường xá hư hỏng nặng hoặc do lũ lụt gây ra. Bây giờ thì từ trẻ con đến người lớn, không ai không biết đến những xe ben, xe tải, xe buýt “hung thần trên đường phố”, gây ra không biết bao nhiêu là tai nạn giao thông, làm tan nát bao nhiêu gia đình, đưa họ vào những hoàn cảnh khốn khổ, chồng chất thêm gánh nặng cho xã hội. Gần đây người ta còn thấy các “ông” taxi, “ông” ôtô con cũng có lúc đáng sợ không kém! Không thể tin được ư? Hãy vui lòng bỏ ra một chút thì giờ quý báu, dừng chân tại một số ngã ba, ngã tư nào đó, nhất là vào các giờ tan sở, chác chắn 100% bạn sẽ được chứng kiến tận mắt những màn trình diễn đủ mọi kiểu của đủ mọi loại xe. Một vấn đề mà ít người chịu nói ra, đó là tình trạng “không ai chịu nhường ai”. Chỉ cần 5 đến 7 xe phía trước phải dừng lại, thế là lập tức (nhất là xe hai bánh) sẽ tìm đủ mọi cách để luồn lách, đâm ngang, chạy dọc, hay leo lên lề đường tìm cách thoát đi. Rồi màn trình diễn “sao đổi ngôi” bắt đầu, xe tải lấn qua làn xe con. Xe con lách qua phần đường xe hai bánh, xe hai bánh bèn leo lên lề đường dành cho người đi bộ. Cuối cùng người đi bộ hết lối đi lại tìm cách len xuống lòng đường tìm kẽ hở mà đi. Thật là vô cùng bát nháo, hỗn loạn. Với tình trạng như thế này mà không va quệt, không xảy ra tai nạn thì mới là lạ.

Xem thêm:  Phân tích tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

tainangiaothong - Suy nghĩ về tình trạng tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông là nỗi đau của toàn xã hội

Mạng sống con người vốn rất quý, thế mà có nhiều người cứ lên xe là phóng bạt mạng, nhấn hết ga, gầm rú ầm ĩ, coi thường mạng sống của mọi người. Có lẽ vì “chưa thấy quan tài thì chưa biết sợ”. Nhưng họ quên rằng, một khi đã xảy ra tai nạn thì đã quá muộn, vì cái “sơ mi gỗ” ấy có khi lại để dành cho chính mình.

Thời gian gần đây, người ta lại phát hiện ra cánh tài xế xe tải, xe khách có nhiều người nghiện ma tuý. Xin hãy tưởng tượng chở trên xe cả mấy chục hành khách mà gặp lúc các ông ấy thiéu thuốc hay quá “phê thuốc” thì chỉ có trời mới biết được tai hoạ gì sẽ xảy ra cho những hành khách vô tội này mà thôi.

Còn trong cái rừng xe hai bánh thì xin đừng chỉ đổ tội cho người dân lao động hay những anh chàng “hai lúa” ở quê lên là phóng nhanh vượt ẩu, mà còn có cả các vị “sơ mi cổ cồn” cà vạt hẳn hoi, cũng tham gia vi phạm luật giao thông… Và trong cái mớ hỗn loạn này còn có cả màu áo trắng học sinh còn ngồi ở ghế phổ thông, nghĩa là chưa có bằng lái xe, mà vẫn vô tư thoải mái chở hai, chở ba, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách vi vu trên những chiếc xe phân khối lớn thì làm sao mà tránh được tai nạn xảy ra.

Nhìn chung, tình trạng tai nạn giao thông xảy ra triền miên liên tục là do ý thức của chúng ta ngày càng xuống thấp. Cái đáng lo, đáng sợ hơn hết là với thế hệ trẻ, những nhân tố tương lai của đất nước, lại thường xuyên chứng kiến sự hỗn loạn, vô trật tự này, thì sẽ có nguy cơ bắt chước, học đòi, rập khuôn, rồi sẽ trở nên quen thuộc và bình thường.

Tuyên truyền, răn đe, xử phạt đều đã được đem ra áp dụng, nhưng chuyện xử phạt còn đặt nặng về giáo dục, còn quá nhẹ nhàng, không phát huy được hiệu quả.

Trong cuốn Tam quốc chí của Trung Quốc, có đoạn kể lúc Lưu Bị chiếm được Thành Đô, đã yêu cầu quân sư Khổng Minh soạn ra một bộ luật để cai trị. Vì thấy bộ luật của Khổng Minh đưa ra quá nghiêm khắc gắt gao, Lưu Bị tỏ ra rất e ngại, nhưng Khổng Minh đã giải thích: “Nếu triều đại cũ đã có quá nhiều luật lệ hà khắc thì luật mới nên nhẹ nhàng, cởi mở. Còn nay thời cũ lại quá hỗn loạn, nhiễu nhương thì luật mới của ta cần phải nghiêm khắc, cứng rắn mới có thể đưa dân vào khuôn phép, kỉ cương được”. Cũng giống như một người bị bệnh nặng, mà thầy thuốc cho toa thuốc quá yếu, không đủ liều lượng, thì chỉ tốn tiền mà bệnh không khỏi vì đã nhờn thuốc rồi.

Mới chỉ là một học sinh lớp 12, tôi biết kiến thức của tôi còn rất hạn chế, nhưng không phải vì thế mà không cảm thấy bất an mỗi khi tham gia giao thông trên đường phố. Cũng không thế vô cảm, vô tư trước những tai nạn thảm khóc xảy ra cướp đi sinh mạng của nhiều người, cũng chẳng thể cầm lòng trước những giọt nước mắt và những vành khăn tang bên bàn thờ của người đã khuất vì tai nạn. Xót xa trước những đau thương, mất mát quá lớn ấy, đã xui khiến tôi cầm bút trải lòng mình ra trang giấy này, ước mong đóng góp một vài ý kiến nhỏ bé vào các giải pháp tháo gỡ vấn đề nhức nhối này.

Trước hết, chúng ta cần nhớ đến lời dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Chú trọng đến việc “trồng người” vì trẻ nhỏ sẽ là những hạt giống tương lai của đất nước sau này. Chúng ta nên cho trẻ tập làm quen và chấp hành các quy định của pháp luật trước khi trưởng thành hoà nhập vào cộng đồng xã hội. Chuơng trình Giáo dục Công dân, giáo dục luật lệ giao thông phải được chú trọng ngay từ lóp một. Tô chức những cuộc thi tìm hiểu về luật giao thông, khen thưởng và cộng thêm 1 đến 2 điểm (tuỳ kết quả) vào các kì thi chuyển cấp (cũng tương tự như là điểm nghề, điếm học sinh giỏi cấp Quận, cấp Thành phó…). Nếu được cộng thêm điểm vào các kì thi này, hi vọng sẽ thu hút học sinh quan tâm nhiều hơn, tìm hiểu và học tập nhiều hơn. Và khi đã nắm vững được luật lệ giao thông rồi thì khi tham gia lưu thông sẽ tránh được nhiều lỗi vi phạm. Nhưng điều quan trọng hơn cả là sẽ giúp học sinh dần dần quen thuộc với nề nếp, trật tự ngay từ lúc còn nhỏ. Những thói quen sẽ tốt đẹp khởi đầu cho một đời người sau này khi hoà nhập và cộng đồng xã hội.

Xem thêm:  Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

Phải phạt thật nặng đối với những lỗi vi phạm Luật giao thông mới làm cho họ sợ mà tự kiềm chế lại mình. Nhưng xử phạt phải công bằng, không bao che nể nang, không xử oan, xử ép dẫn đến không “tâm phục khẩu phục” mà phát sinh ra sự chống đối.

Thành phố quá rộng lớn, dân số quá đông mà cán bộ, chiến sĩ CSGT lại quá ít, không đủ dàn trải khắp nơi. Tôi đã chứng kiến những nơi nào có bóng dáng cán bộ, chiến sĩ CSGT là y như rằng mọi người chấp hành tốt, không dám phóng nhanh, vượt ẩu v.v… Còn nơi nào không có sự hiện diện của họ thì vô cùng hỗn loạn. Tôi từng chứng kiến một chiến sĩ CSGT cầm còi lên định thổi một người vi phạm rồi bỗng thấy chú ấy bỏ còi xuống, lắc đầu. Vì sao ư? Có thể vì quá mệt mỏi, vì quá tải, quá nhiều vi phạm. Chưa nói đến chuyện họ cũng còn phải lo cho cả gia đình, vợ con, mà tiền lương thì “khiêm tốn” không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày, vẫn biết rằng lương tâm và trách nhiệm của họ không thể phụ thuộc vào lương tháng, nhưng nếu cứ để họ phải thiếu thốn mãi (mà công việc thì hết 90%) là ở ngoài đường phó, bất kể trời nắng hay mưa, thì dù có khoẻ đến đâu cũng suy sụp. Liệu lương tâm và trách nhiệm của họ sẽ đứng vững được bao lâu? Do vậy cần phải tăng lương cho CSGT để họ tạm đủ sống mà bớt phần lo chạy gạo, họ sẽ rảnh tay hơn để dồn sức cho công tác gìn giữ an ninh trật tự trong giao thông. Hoặc thưởng tiền cho CSGT trong mỗi vụ việc vi phạm. Thí dụ: xử phạt 100.000 đồng, thì trích ngay 20.000 đồng để thưởng cho họ. Tôi nghĩ việc thưởng công khai này có thể tránh được nạn thu bất hợp pháp khác.

Các cấp chính quyền cũng cần kêu gọi các quân nhân sau khi đã thi hành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, hoặc lực lượng Thanh niên xung phong tham gia vào công tác điều hành giao thông. Dùng ngay tiền phạt của người vi phạm để trả lương cho họ bằng với múc lao động hàng ngày của họ ngoài đời, để họ an tâm mà làm nhiệm vụ. 

Các cơ quan có trách nhiệm, các báo, đài cần ra sức phổ biên, tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về văn hoá tham gia giao thông. Đưa ra thật nhiều hình ảnh của các vụ tai nạn thảm khốc, phổ biến các lỗi vi phạm và các múc phạt ban hành. Việc này không chỉ làm theo phong trào, mà làm hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng ở mọi nơi, mọi lúc.
Và cuối cùng, tôi nghĩ, chỉ có khi tất cả mọi người hãy vì sự an toàn, trật tự và văn minh của xã hội mà tự giác chấp hành mọi quy định, luật lệ giao thông thì mới hi vọng tai nạn sẽ từ từ giảm bớt, xoá tan đi nỗi lo “sống thần” đang rình rập mỗi chúng ta.

Lê Vũ Vân Anh
Lớp 12A12 – THPT Nguyễn Thị Minh Khai
Quận Phú Nhuận – TP Hồ Chí Minh