Tà áo màu thiên thanh

Tà áo màu thiên thanh

Tiếng trống trường vang lên thôi thúc. Cô giáo bước vào, chúng tôi đồng loạt đứng lên chào. Cô mặc áo dài màu xanh da trời (ngày ấy, giáo viên đi dạy rất ít người mặc áo dài), còn rất trẻ, tóc xõa ngang vai. Với nụ cười thân thiện, cô tự giới thiệu và hỏi tên từng học sinh. Cô làm quen với chúng tôi thật nhanh. Tôi cảm thấy mến cô ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hình ảnh thân thương ấy đã nhẹ nhàng đi vào tâm hồn thơ ngây của tôi tự lúc nào không rõ. Hai mươi sáu năm trôi qua, nhưng ký ức tuổi học trò năm ấy và tình thầy trò vẫn còn đậm nét trong tôi.

Sau giải phóng tôi chỉ mới mười hai tuổi. Học hết lớp 5, tôi là học sinh đứng nhất nhì lớp, thế mà đã bị rớt trong kỳ thi chuyển cấp từ lớp 5 lên lớp 6. Tôi hoang mang suy nghĩ: “Tôi làm bài được, tại sao tôi lại bị đánh rớt?”. Khi. mọi tia hi vọng hầu như tắt ngấm thì nghe đâu có trường Bổ túc Công nông đang chiêu sinh, chúng tôi mừng quá, nộp ngay hồ sơ vào xin học.

thien thanh - Tà áo màu thiên thanh

Tôi cảm thấy mến cô ngay từ cái nhìn đầu tiên

Gặp cô, nghe cô trò chuyện thật dễ mến, chúng tôi càng sung sướng khi được cô làm giáo viên chủ nhiệm. Cô dạy tận tình, dễ hiểu và sinh động nên các bạn học rất chăm chỉ. Anh bạn Hồ Hồng lớn hơn chúng tôi mấy tuổi, cao to, ngồi bàn cuối, lầm lì không nói chuyện với ai, thường xuyên được cô quan tâm giúp đỡ. Bạn Ngọc Thành nghịch phá không chịu học, nghe cô khuyên nhủ đã khóc và thay đổi hẳn tính tình. Những buổi tối tập văn nghệ luôn có cô theo dự. Cô tập hát cho chúng tôi, thậm chí làm khán giả xem chúng tôi pha trò. Nhờ cô, tôi đã sửa được tính tự kiêu và cư xử hòa nhã với bạn bè. Có lần tôi được cô dẫn đi dự buổi lễ Hiến chương các nhà giáo 20-11 dành cho thầy cô toàn thị xã. Lúc chuẩn bị lên hát, tôi bị nghẹt thở sắp ngất do quá hồi hộp. Cô đã khóc vì quá lo cho sức khỏe của tôi. Không phải riêng tôi mà tất cả các học trò đều được cô yêu thương và dạy dỗ theo cách riêng, tùy cá tính, khả năng và hoàn cảnh. Có dịp rảnh rỗi, cô dẫn chúng tôi về rẫy của nhà cô chơi. Cô dạy chúng tôi giã gạo, sàng sảy, rồi dạy vo gạo, nấu cơm. Cô hái cải rổ xào với thịt bò, bắt cua đồng um với me…đãi chúng tôi. Cô không những dạy chúng tôi yêu lao động mà còn dạy chúng tôi biết “thưởng thức” thành quả lao động của mình nữa.

Xem thêm:  Đi Vũng Tàu

Năm 1976, năm đầu tiên tổ chức thi học sinh giỏi ở miền Nam, trong số nhiều trường cấp II tham dự có trường của chúng tôi. Cô chăm lo và động viên chúng tôi rất nhiều. Tôi nhớ sau khi làm xong bài văn phát biểu cảm tưởng về một đoạn thơ của nhà thơ Tố Hữu ca ngợi hình ảnh anh giải phóng quân, tôi đã ghi lại bài thi của mình cho cô chấm điểm. Đọc xong, cô tuyên bố: “Bài làm khá lắm, em sẽ đoạt giải cao kỳ này!”. Kết quả, tôi đứng thứ nhì toàn thị xã. Tên tôi được đọc trên đài phát thanh. Cô trò tôi vô cùng mừng rỡ, gia đình cũng vui và tự hào về tôi.  

Chúng tôi chỉ được học một năm với cô ở ngôi trường ấy. Sau đó, phòng giáo dục đánh giá cao thành tích học tập của chúng tôi và chuyển toàn bộ học sinh và giáo viên qua các trường công khác. Chúng tôi vừa vui, lại vừa buồn, vui vì sắp được học trường công, còn buồn vì sắp xa thầy cô. Trước khi chia tay, cô dặn chúng tôi phải cố gắng học tập, biết vâng lời, phải tự tin, không được mặc cảm là học sinh bổ túc… Đúng như lời cô nói, khi học tiếp lớp 7 ở các trường khác, nhiều thành viên lớp chúng tôi đã trở thành những hạt nhân phong trào. Sau này tôi tốt nghiệp phổ thông loại giỏi nhưng lại vấp phải chuyện lý lịch ở lần thi đại học. Những khi gặp khó khăn, vấp ngã, tôi thường viết thư tâm sự với cô và được cô cho những lời khuyên hữu ích. Bao nhiêu năm qua, cô luôn là người công nhận những thành quả lao động học tập của tôi, giúp tôi tìm ra những hướng đi đúng. Cô luôn động viên tôi cố gắng đừng nản chí, rồi sẽ có ngày mình đạt được điều mong ước.

Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ về bài "Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới" của Vũ Khoan

Sau này, trước bao nhiêu đổi mới của đất nước, nhiều định kiến xã hội đã được xóa bỏ. Tôi, một học sinh năm nào thi rớt đại học, giờ nằm trong danh sách được du học Liên Xô. Cô giáo tôi, từ một giáo viên dạy cấp II, đã học xong đại học… Qua nhiều năm tận tụy với nghề, cô đã trở thành trưởng Phòng Giáo dục của thành phố quê tôi – Phan Thiết. Tôi nghĩ xuất phát từ lòng yêu nghề, tình thương cô dành cho học sinh nên cô đã được mọi người yêu quí và trân trọng như hôm nay. Tôi cảm thấy tự hào là học trò của cô. Mỗi khi nghe bài Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến, tôi thường liên tưởng đến cô. Mẹ cô đã già, một mình cô lo lắng, dạy dỗ cho bầy em lần lượt trưởng thành và đều đi theo nghề giáo. Dường như cô đã quên tuổi thanh xuân của mình.

Tôi ở xa nên ít có dịp về thăm cô, thường thì tết là cô trò mới có dịp gặp nhau. Có năm, tôi và cô đi đón giao thừa ở trường cô dạy. Có năm, cô trò ngồi nhâm nhi ly rượu nếp, đĩa tai heo ngâm giấm cô làm, ngồi say sưa nhắc lại chuyện ngày xưa: lũ học trò nghịch ngợm chúng tôi đi “phá đám” thầy nào yêu thích cô… Sau nhiều năm không gặp nhưng cô vẫn nhớ tên và nhớ cả chỗ ngồi của từng học sinh trong lớp. Chúng tôi ngạc nhiên hỏi mới biết cô có cách nhớ riêng rất hay. Cô dán ảnh vào chỗ ngồi từng học sinh theo sơ đồ lớp, những tấm sơ đồ ấy cô vẫn giữ bên cạnh, lâu lâu lại giở ra xem. Cô như người lái đò đưa chúng tôi qua sông và dõi theo từng bước chân chúng tôi bao năm, vui buồn với những thành bại của học trò mình. Có đứa tay bồng, tay bế về thăm cô từ vùng kinh tế mới, có đứa gia đình tan vỡ, về ôm cô khóc, có mấy đứa thành đạt về khoe với cô… Tự bao giờ, tình thầy trò giữa cô và chúng tôi đã trở nên gần gũi, thân thiết, bền vững như tình gia đình ruột thịt.  

Xem thêm:  Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 – Chuyên Lam Sơn Thanh Hóa

Ngày nhà giáo VN vừa rồi, tôi gửi tặng cô một tấm thiệp. Trong đó, tôi vẽ cô đang đứng trên bục giảng, mặc áo dài, tóc ngang bờ vai. Phía dưới lô nhô mấy cái đầu của chúng tôi đang tròn xoe mắt, há hốc mồm nghe cô giảng bài. Tôi nghĩ, khi xem, chắc cô sẽ cười và nói rằng: “Cái thằng Vũ Anh này, gần bốn mươi tuổi rồi mà vẫn còn trẻ con như ngày nào!”. Nhiều khi tôi cứ ao ước có một ngày về ngồi trong lớp 6A để được nghe tiếng cô giảng bài, được gặp lại bạn bè của một thời thơ dại.

NGUYỄN VŨ ANH