Anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay

Anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay

Hướng dẫn

Dân tộc ta từng tự hào về truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước thì thương nhau cùng.

Thế nhưng cùng với sự phát triển ngày càng cao của đời sống vật chất thì điều đáng buồn là những biểu hiện của truyền thống tốt đẹp ấy lại mai một dần và chúng ta đang phải đối mặt với một căn bệnh tinh thần đáng sợ. Đó là “bệnh vô cảm” hay còn gọi là “makeno” (mặc kệ nó).

“Bệnh vô cảm” như một bệnh dịch lây lan trong toàn xã hội và rất nhiều người mắc phải, không nặng thì nhẹ. Vô cảm là thái độ thờ ơ, không có cảm xúc gì trước các sự vật, hiện tượng xung quanh, trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác. Đây là thái độ, là cách sống tiêu cực đáng phê phán vì nó trái ngược với truyền thống đạo đức nhân ái, vị tha đã có từ bao đời của dân tộc ta. Vô cảm vốn là một trạng thái tâm lí, nhưng hiện nay nó đã trở thành một căn bệnh trầm kha khó chữa. Có thể nói thứ “vi rút” nguy hiểm của căn bệnh này đã và đang xâm nhập vào tất cả các tầng lớp, lứa tuổi mà tập trung nhiều nhất là ở các thành phố lớn có lối sống hiện đại.

Sự phát triển của xã hội ngày nay một mặt mang lại cuộc sống vật chất đầy đủ cho con người nhưng mặt khác nó lại làm nảy sinh tính ích kỉ, chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn “cái tôi” mà quên mất “cái ta”. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực… là những cám dỗ khiến con người đam mê đời sống vật chất mà coi nhẹ đời sống tinh thần. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hết cho hoàn cảnh khách quan. Với không ít người, “bệnh vô cảm” bắt nguồn từ tính ích kỉ, từ nhận thức hạn hẹp, lệch lạc.

“Bệnh vô cảm” có rất nhiều biểu hiện khác nhau. Đó là sự thờ ơ trước niềm vui hoặc nỗi buồn của những người xung quanh hay thản nhiên trước một câu chuyện buồn trong sách báo hoặc trên phim ảnh. Nhưng đáng sợ hơn cả là thái độ lạnh lùng đến tàn nhẫn trước những đau thương, mất mát của đồng loại như trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, nạn nhân của thiên tai bão lụt… Trái tim của những kẻ mắc ‘bệnh vô cảm” không hề băn khoăn, rung động trước những gì liên quan tới lĩnh vực tinh thần. Họ không hiểu rằng lời mắng nhiếc, nhục mạ của họ sẽ khoét sâu nỗi đau trong lòng một đứa trẻ bất hạnh như thế nào. Một ánh mắt dửng dưng, khỉnh bỉ của họ trước một người khuyết tật sẽ làm tăng thêm mặc cảm và nỗi buồn khó nguôi ngoai.

“Bệnh vô cảm” còn biểu hiện qua thái độ dửng dưng hoặc cố tình né tránh khi chứng kiến người gặp nạn trên đường. Không ít kẻ vội vã bỏ đi, mặc kệ nạn nhân vì sợ mất thời gian, sợ liên lụy tới mình. Ở trường, ở lớp, “bệnh vô cảm” thể hiện qua thái độ thiếu quan tâm đối với các bạn yếu kém hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Vô cảm còn thể hiện trong cung cách ứng xử lạnh nhạt, thiếu hòa đồng với bạn bè và người thân. Điều đó dẫn tới sự lỏng lẻo trong các mối quan hệ và ngày càng đẩy kẻ mắc “bệnh vô cảm” vào tình trạng cô độc, héo hắt về mặt tinh thần. Cuộc sống nhạt nhẽo của họ thực ra chỉ là sự tồn tại vô nghĩa mà thôi.

Câu chuyện ngụ ngôn Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại xuất hiện từ thuở xa xưa kể về một anh chàng khi nhà hàng xóm liền vách bị cháy mà vẫn thản nhiên kéo chăn trùm đầu nằm ngủ, còn tặc lưỡi tự nhủ là cháy nhà người khác chứ có phải cháy nhà mình đâu mà sợ! Rốt cuộc, lửa cháy lan sang nhà anh ta, mọi thứ tan thành tro bụi. Lúc đó, anh ta mới tỉnh ngộ, ân hận vò đầu, bứt tai kêu khóc. Thờ ơ, lạnh nhạt đến ích kỉ như thế là tự chuốc họa vào thân.

“Bệnh vô cảm” hiện nay khá phổ biến trong xã hội và biểu hiện dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Một thanh niên không nhường chỗ cho cụ già trên xe buýt. Một học sinh lớn thấy một em nhỏ té ngã mà không đỡ dậy. Đường bị kẹt mà nhiều người cứ cố tình luồn lách, không biết nhường nhau, vi phạm luật lệ giao thông. Thấy người bị tai nạn mà không giúp đỡ. Quay lưng ngoảnh mặt trước tình cảnh đau thương của đồng bào bị thiên tai, bão lụt, trước số phận bất hạnh của hàng ngàn trẻ thơ mồ côi, người già không nơi nương tựa… Đó là thái độ thờ ơ, lạnh nhạt đến tàn nhẫn. Thái độ ấy rất đáng phê phán và lên án. Nếu không, nó sẽ thành hiện tượng bình thường được xã hội chấp nhận và cứ thế lan rộng mãi như một bệnh dịch nguy hiểm.

Ở mức độ cao hơn, bệnh vô cảm đồng nghĩa với thái độ vô trách nhiệm, gây ra tác hại không nhỏ cho xã hội, cho đất nước. Có thể lấy một vài ví dụ trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế… Đó là những người có chức có quyền kí duyệt những dự án công trình lớn mà không nghĩ tới hậu quả sau mười năm hai mươi năm, người dân trong vùng sẽ sống ra sao. Chỉ vì một mối lợi nhỏ, họ có thể xóa sạch nhiều khu rừng nguyên sinh, biến thành trang trại trồng cà phê… nhưng cà phê chưa thu hoạch được thì lũ đã tràn về, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản.

Rất nhiều công trình lớn xây dựng trên khắp đất nước lâm vào tình trạng dở dang, hoang phế vì những quyết định sai lầm của các vị lãnh đạo thừa nhiệt tình nhưng thiếu tài năng và kinh nghiệm, gây ra sự lãng phí ghê gớm, làm thâm hụt ngân quỹ quốc gia. Hiện tượng “rút ruột công trình” đến mức nguy hiểm là hậu quả không chỉ của thói tham lam mà còn là hậu quả của thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm trước con người. “Đại công trường” ở tỉnh Hà Giang, cầu Văn Thánh, cầu Dần Xây, công trình nạo vét, cải tạo kênh Nhiêu Lộc… ở thành phố Hồ Chí Minh, hàng loạt nhà máy đường ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ xây xong “trùm mền" để đấy… chứng minh cho sự thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở của những người có trách nhiệm quản lí. Rốt cuộc là “cha chung không ai khóc”, chỉ có nhân dân, Nhà nước là chịu thiệt thòi.

Vụ án tiêu cực PMU 18 làm chấn động dư luận trong và ngoài nước xảy ra cách đây chưa lâu là bằng chứng chứng minh cho “bệnh vô cảm” đã đến mức đồng nghĩa với tội ác. Những quan chức tham nhũng, mất phẩm chất đã liều lĩnh tham ô hàng triệu đô la để cờ bạc, cá độ bóng đá và ăn chơi sa đọa. Bao nhiêu cây cầu, bao nhiêu con đường do PMU 18 chỉ đạo thiết kế và thi công đều có vấn đề về chất lượng. Chắc chắn là họ luôn nghĩ đến quyền lợi cá nhân, tìm mọi cách để “vinh thân phì gia” chứ không nghĩ đến lợi ích to lớn và lâu dài của nhân dân, đất nước.

Trong tĩnh vực giáo dục, những hậu quả khôn lường xảy ra trước mắt và lâu dài do thói thờ ơ, lạnh nhạt gây ra cũng không phải là ít. “Bệnh thành tích”, nạn gian lận trong thi cử, nạn mua bán bằng cấp… rồi tình trạng học sinh vùng sâu vùng xa phải học ba ca, thậm chí không có trường để học, không có kí túc xá tử tế để ở như báo chí thường phản ánh đã gây bức xúc và bất bình trong nhân dân. Bộ Giáo dục – Đào tạo biết rất rõ những hiện tượng tiêu cực đó và đã có những biện pháp hữu hiệu, nhằm hạn chế và dần dần đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực ấy.

Xem thêm:  Bình giảng một đoạn văn trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

“Bệnh vô cảm” biểu hiện thường xuyên và rõ nét trong tĩnh vực y tế đến mức gần như là một tệ nạn khó dẹp. Lời thề Hy-pô-cơ-rát và những quy định về y đức đã bị không ít thầy thuốc coi nhẹ hoặc lãng quên trước ma lực ghê gớm của đồng tiền thời kinh tế thị trường. Trái tim họ chai đá, không còn rung động bởi nỗi đau đớn về thể xác, về tinh thần của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Vì thế mới xảy ra những chuyện đáng lên án như bỏ mặc bệnh nhân nghèo đến chết vì không có tiền đóng viện phí. Hiện tượng bác sĩ khám bệnh qua loa chỉ bằng một hai câu hỏi trong vòng vài phút có thể nói là ở bệnh viện nào cũng có. Rồi việc kê đơn vô tội vạ, móc ngoặc với các nhà thuốc, các hãng dược để hưởng lợi bất chính trên sức khỏe và tính mạng bệnh nhân. Gần đây, báo chí đưa tin Ban Giám đốc bệnh viện ở một tỉnh phía Bắc thản nhiên lấy xe cấp cứu đi dự tiệc cưới, trong khi bệnh viện thiếu xe để cấp cứu bệnh nhân. Những hiện tượng tiêu cực đó cần phải bị lên án trước dư luận, không thể để ngang nhiên tồn tại trong một xã hội văn minh, hiện đại.

Tuy không gây chết người như nhiều bệnh lí khác nhưng “bệnh vô cảm” cũng dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Nó ảnh hưởng xấu tới quá trình học tập và làm việc của mỗi cá nhân. Một người khó có thể làm việc đạt chất lượng khi không giữ mối quan hệ tốt đẹp, thân thiện với đồng nghiệp. Cũng như một học sinh nếu hằng ngày đến lớp chỉ biết chỗ ngồi của mình mà thờ ơ với bạn bè, trường lớp thì cũng khó mà học tốt vì không được sưởi ấm bởi niềm vui và tình cảm chân thành của thầy cô, bè bạn. Đáng buồn hơn cả là “bệnh vô cảm” đang dần dần làm mai một truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Làm thế nào để có phương thuốc đặc biệt chữa trị “bệnh vô cảm"? Trước hết vẫn phụ thuộc vào chính mỗi cá nhân. Chúng ta hãy sống có lí tưởng, mục đích đúng đắn, sống tử tế và hãy luôn nhớ rằng mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của mình đều phải xuất phát từ lòng nhân ái. Hãy làm giàu tâm hồn bằng các tác phẩm văn chương nghệ thuật hoặc tích cực tham gia vào những phong trào, những hoạt động mang ý nghĩa xã hội rộng lớn… Chỉ cần có một tâm hồn cởi mở và một trái tim nhân hậu, biết thương người như thể thương thân là bạn sẽ chữa dứt được “bệnh vô cảm” đáng ghét và đáng phê phán ấy. Chúng ta hãy sống theo quan điểm đúng đắn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy và nêu gương sáng: Mình vì mọi người, mọi người vì mình thì chắc chắn mọi bi kịch của số phận sẽ lùi xa.

Có một giai thoại cảm động về Các Mác mà nhiều người trên thế giới đều biết. Đó là một lần trò chuyện cùng con gái, khi con gái hỏi điều gì làm cho ba quan tâm nhất, Mác đã trả lời: Tất cả những gì liên quan đến con người đều không xa lạ đối với ba. Quả thật, phải có sự quan tâm sâu sắc và tình thương yêu nhân loại vô bờ bến thì Mác mới viết được những tác phẩm bất hủ để bênh vực giai cấp bị bóc lột trong xã hội tư bản đầy áp bức, bất công.

Nếu như lòng vị tha và tình đoàn kết được mọi người ca ngợi và cổ vũ bao nhiêu thì bệnh vô cảm, thói thờ ơ, lạnh nhạt với con người bị phê phán và lên án bấy nhiêu. Cái thiện, điều tốt cần được nhân rộng; cái ác, cái xấu phải bị diệt trừ. Cả hai vấn đề trên nếu thực hiện đồng bộ và triệt để thì tin chắc rằng chẳng bao lâu nữa, đất nước Việt Nam sẽ tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong ước và hi vọng.

Bài viết số 6 lớp 11 đề 2: Anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh thành tích” – một – “căn bệnh” gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay.

Bài làm

Trong cuộc sống đang bộn bề, biến chuyển hằng ngày như hiện nay thì xã hôi, đất nước đang cần đến một lực lượng thanh niên học sinh giỏi giang, tài đức. Và ngay từ bây giờ, học sinh- được xem là những mầm non tương lai, là người kế thừa công cuộc phát triển đất nước đang ra sức học tập, rèn luyện hết sức mình.
Nhưng trái lại bên cạnh đó, lại có một số học sinh đang học với không đúng khả năng của mình, và điều này đã tạo điều kiện cho một “ căn bệnh” xâm nhập vào học đường đang hoành hoành, gây xôn xao ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Vâng, đó chính là bệnh thành tích trong giáo dục.

Thật vậy, học sinh đến trường học qua loa đối phó, nhưng điểm số và kết quả học tập thì rất cao- đó là những biểu hiện cụ thể, triệu chứng của bệnh “ chuộng” thành tích.

Nhiều lúc ta cảm thấy ngạc nhiên trong lối học của một số hoc sinh, lên lớp thì nghệch ngoạc vài chữ, ngáp lên ngáp xuống, học theo kiểu “ cưỡi ngựa xem hoa”, về nhà thì vở vất đầu giường. Thế nhưng, hok hiểu sao cứ đến kì thi lại có hok ít người rất tự tin cầm bút vào phòng thi, rốt cuộc “ may mắn” làm sao, điểm vẫn trên trung bình, danh sách học sinh tiên tiến, học sinh giỏi ở các trường vẫn “ thừa thắng xông lên”. Tại sao lại có sự mâu thuẫn đến như vậy?Thật là khó lí giải. Họ thông minh đến nỗi không cần học bài, hiểu bài cũng có thể thi, làm kiểm tra điểm cao à. Và rồi khi bước vào kì thi đại hoc thật sự, kết quả lại khiến nhiều người sửng sốt, bất ngờ. Có chăng chỉ là những học sinh tiêu biểu đó đã gặp may mắn trong khi quay cóp, tài liệu hay là do thái độ ỷ lại vào bạn bè, sự dễ dãi của một số thầy cô trong các kì thi,…

Có thể thầy cô không nỡ nhìn học sinh của mình buồn khi nhận những con điểm kém, kết quả tồi nên họ đã làm ngơ trước một vài điều hay là với tâm lí sợ trò học không giỏi một phần là do thầy cô dạy không hay, có trường hợp nhiều học sinh đỗ xô đi học một giáo viên A, B,.. nào đó không chỉ đơn thuần là giáo viên đó dạy giỏi, giảng hay mà còn vì giáo vien đó “ thương” học trò và biểu hiện ra đó là cho học sinh biết trước những đề kiểm tra, khi cho điểm thi lại hết sức nhẹ nhàng với học trò “ tại gia” của mình. Xin nói thẳng chính vì thương kiểu đó mà đã có không ít những kết quả sai lệch, học giả nhưng điểm thật. Và những thầy cô đó có thật sự thương học sinh của mình mà đang huỷ hoại dần vốn kiến thức và ý thức học tập của học sinh, dần dần họ cứ nghĩ rằng cứ có thật nhiều tiền mua quà chăm sóc thầy cô hay có một chỗ ngồi êm ấm trong nơi học thêmt hì sẽ dễ dàng với việc học, thi, kiểm tra. Thật là sai lầm!

Xem thêm:  Tả quang cảnh giờ chào cờ đầu tuần

Ông bà ta đã từng nói: “Không học thì làm sao có tương lai”. Tương lai đó không thể mua bằng tiền, bằng những mẹo vặt khi làm bài hay sự nài nỉ của một ai đó… Tương lai là do chính bản thân mình nắm lấy, mình bắt giữ, phải đổ mồ hôi, nước mắt trong học tập thật sự thì mới có một tương lai tươi sáng.

Trong kì thi đại học vừa qua đã có không ít “ sĩ tử” thành “tử sĩ” chỉ vì học không đúng với bản thân, hổng kiến thức trầm trọng, thế nhưng trong các năm học trước hay thi tốt nghiệp vẫn luôn là “ giỏi”. Chính lúc bước vào kì thi chung của cả nước, kì thi đại học gắt gao thì khả năng của mỗi học sinh mới được thể hiện thật sự chính xác, ai giỏi có cố gắng thì sẽ đậu, ai mà chỉ biết mánh khoé, học giả dối thì phải nhận kết quả thấp,hi vọng rằng họ sẽ không than vãn là “ học tài thi phận”. Không biết rằng trước kết quả đáng buồn của học sinh mình, thầy cô có hối hận hay không, vì đã quá dễ dãi trong việc dạy dỗ học sinh của mình.

Chắc mọi người vẫn chưa quên vụ” chạy trường, lớp điểm” ở trường Lê Quý Đôn vừa qua gây xôn xao trong bộ giáo duc và cả xã hội hay là kì thi tốt nghiệp năm ngoái có trường thi tốt nghiệp đạt o%, tức là không một học sinh nào đậu. Không biết là nên thất vọng bao nhiêu cho đủ đây, trước hậu quả mà bệnh thành tích đã gây ra trong nhà trường.

Tuy nhiên, nói cho công bằng trách nhiệm cũng không nên đỏ hết cho thầy cô, đó còn là sự học buông thả của một số học sinh, không chuyên tâm vào học hành, chỉ biết học đối phó, qua loa và cách dạy có thể chưa hợp lí, làm học sinh thích thú…

Không thể để khối u nhột- bệnh thành tích này hoành hành và phát triển trong học đường. Gia đình và thầy cô giáo cần kiểm tra về kiến thức và việc học của học sinh chặt chẽ hơn nữa, tạo ra nhiều phương pháp học khiến học sinh thích thú nên hạn chế những lối học “thầy đọc, trò chép” khô khan. Hơn hết quan trọng nhất là ý thức của mỗi học sinh, sự nỗ lực và cố gắng của từng bạn, lúc đầu có thể khó khăn nhưng về sau bạn có thể có được niềm vui đích thực khi đón nhận những điểm số tốt xứng đáng với sức mình bỏ ra. Hiện nay ngành giáo dục và xã hội ta đang phát động cuộc vận động “Chống tiêu cực trong giáo dục và bệnh thành tích” hay khẩu hiệu “Ba không” trong học đường…Mọi người, mọi trường đang tham gia hưởng ứng một cách tích cực, học sinh chúng ta hãy hòa mình vào đó. Hãy từ biệt căn bệnh thành tích trong nhà trường. Sống và học tập hết mình để xứng đáng trở thành những người kế thừa và phát triển đất nước. Bác Hồ đã từng nói “ Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không đó là nhờ phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Bài viết số 6 lớp 11 đề 3. Hãy phân tích tác hại của thái độ thiếu trung thực trong thi cử. Theo anh / chị làm thế nào để khắc phục được thái độ đó?

Bài làm

Trong những năm qua, ngành giáo dục “nóng” lên với nhiều vấn đề như hiện tượng ngồi nhầm lớp, bệnh thành tích, đạo đức người thầy… Thái độ thiếu trung thực trong thi cử cũng là một vấn đề nổi cộm làm đau đầu các nhà giáo dục. Tiêu cực trong thi cử gây ra những tác hại lớn, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục và toàn thể xã hội. Đã đến lúc không thể làm ngơ và cần có những biện pháp thích hợp để trả lại sự trong sáng, nghiêm túc cho các kì thi và sự công bằng cho học sinh và thầy cô giáo.

Thái độ sai trong thi cử mà biểu hiện cao nhất là hiện tượng gian lận khi làm bài đã tới mức “báo động đỏ” – không chỉ làm đau đầu các quan chức có trách nhiệm đối với ngành giáo dục mà còn làm nhức nhối lương tâm tất cả những ai quan tâm tới sự nghiệp “trồng người” của đất nước ta. Trong thời gian gần đây, các phương tiện như báo chí, truyền thanh, truyền hình đề cập rất nhiều về vấn đề này, nhất là vào dịp diễn ra kì thi tốt nghiệp các cấp và thi tuyển sinh vào hệ Cao đẳng, Đại học hàng năm.

Vậy nguyên nhân của thái độ tiêu cực này là ở đâu? Xét kĩ, chúng ta sẽ thấy nó có “họ hàng thân thuộc, dây mơ rễ má” với các hiện tượng tiêu cực khác như thói lười biếng, thói giả dối và bệnh thành tích… Sâu xa hơn, nó bắt nguồn từ nhận thức lệch lạc về mục đích và tầm quan trọng của việc học đối với sự hình thành nhân cách và thành công hay thất bại trong cuộc đời của mỗi con người.

Ngay từ ngày xưa, tổ tiên chúng ta đã có quan điểm hết sức đúng đắn là học để làm người. Tiên học lễ, hậu học văn, tức là trước hết phải học lễ giáo (những điều giáo dục về khuôn phép sống theo tư tưởng Nho giáo). Có thể hiểu đơn giản là học phép cư xử, học đạo lí nhân nghĩa. Sau đó mới là học chữ thánh hiền (chữ Nho) để có được những kiến thức cơ bản trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Những lời khẳng định tầm quan trọng của sự học có giá trị như chân lí muôn đời: Ngọc bất trác, bất thành khí, Nhân bất học, bất tri lí. (Ngọc không mài không sáng. Người không học không biết đâu là lí lẽ, đúng, sai). Hoặc: Có học thì như lúa như nếp, không học thì như rơm như cỏ…

Thái độ thiếu trung thực trong thi cử đã và đang trở thành một vấn nạn lớn trong ngành giáo dục ở tất cả các cấp. Điều này cho thấy thực trạng đáng buồn của bức tranh giáo dục Việt Nam trong thời gian qua. Thái độ thiếu trung thực trong thi cử biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như quay cóp, giở tài liệu (phao) thi hộ thi thay, đánh dấu bài, sử dụng các phương tiện hiện đại hỗ trợ… Dù dưới bất cứ hình thức nào thì đó vẫn là hành vi xấu, không thể chấp nhận, không được phép tồn tại. Trong những kì thi tốt nghiệp các cấp, thi vào Cao đẳng và Đại học, hàng loạt trường hợp sai trái đã bị phanh phui, nhưng cũng không ít trường hợp gian lận đã trót lọt khiến cho nỗi lo của ngành giáo dục nói riêng và của cả xã hội nói chung cứ chất chồng thêm mãi, khó mà giải quyết nổi. Để xảy ra các hiện tượng gian lận trong thi cử, các giám thị phải chịu một phần trách nhiệm. Sự rộng rãi hay cố tình dung túng của họ đã tạo cơ hội cho thí sinh làm điều xấu, điều sai. Tuy vậy, nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ nhận thức lệch lạc, thiếu nghiêm túc của thí sinh về học hành và thi cử. Mặt khác, cơ chế thi cử cũ kĩ, lạc hậu ở nước ta là mảnh đất màu mỡ cho hiện tượng thiếu trung thực phát triển.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du

Những học sinh có thái độ sai trong thi cử phần lớn là do lười biếng, không muốn mất nhiều công sức học tập nhưng lại muốn được điểm cao. Đã lười học thì không thể nào nắm vững các kiến thức cơ bản và phương pháp làm bài tập của từng môn học. Cho nên lúc làm bài, họ chỉ có một trong hai cách là quay cóp bài của bạn hoặc giở tài liệu đã chuẩn bị sẵn dưới nhiều hình thức khác nhau mà giờ đây được gọi là “phao”. Thời buổi khoa học kĩ thuật hiện đại nên “phao” cũng muôn hình muôn vẻ. Kiều “cổ điển” thì cả bộ đề thi được phô tô thu nhỏ giấu vào trong quần áo, giày vớ để mang lọt vào phòng thi.

“Hiện đại” hơn thì làm bài thi theo hướng dẫn từ bên ngoài qua điện thoại di động có lắp tai nghe, được ngụy trang tinh vi để qua mắt giám thị… Có thể những hành vi sai phạm ấy được thực hiện một cách trót lọt và các thí sinh ấy thi đỗ, nhưng họ không hiểu rằng họ đã đánh mất cái quý giá nhất của con người là lòng tự trọng. Nếu khởi đầu sự nghiệp bằng dối trá thì trong suốt cuộc đời, họ phải sống trong dối trá, mà điều đó là một cực hình.

Nhiều người nghĩ một cách đơn giản và nông cạn là hiện tượng thiếu trung thực trong thi cử không hại đến ai, đến điều gì nên người nào gian lận được thì cứ việc gian lận. Thực ra, gian lận trong thi cử là một tệ nạn gây tác hại nghiêm trọng và lâu dài cho xã hội, quốc gia. Trước hết, ngành giáo dục bị ảnh hưởng nhiều nhất về mặt chất lượng. Thiếu trung thực trong thi cử tất yếu sẽ sản sinh ra những con người yếu kém về nhân cách và tài năng. Những con người ấy nếu nhờ thần thế mà được sắp đặt vào các vị trí quan trọng trong xã hội thì họ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, gây thiệt hại to lớn cho nhân dân, đất nước.

Sai lầm trong giáo dục là sai lầm nguy hiểm nhất, vì nó không chỉ ảnh hưởng xấu đến một cá nhân mà còn gieo rắc tai họa cho cả một thế hệ. Một cử nhân “dỏm”, một thạc sĩ, tiến sĩ “học giả mà bằng thật”, thậm chí một ông Hiệu trưởng, một ông trưởng khoa Văn trường Cao đẳng Sư phạm hẳn hoi mà chưa có bằng tốt nghiệp… Trung học phổ thông (?!) Quả là khó tin nhưng đó là sự thực. Hiện tượng con sâu làm rầu nồi canh như vậy đã làm giảm sút uy tín của ngành giáo dục khá nhiều. Những người tài sơ đức thiểu như thế mà làm công việc đào tạo thì chất lượng sản phẩm con người mà họ đào tạo ra sẽ như thế nào?

Mặt khác, hiện tượng thiếu trung thực sẽ phá vỡ sự nghiêm túc cần phải có ở chốn trường thi. Thầy không ra thầy, trò không ra trò biến thi cử thành một trò đùa may rủi. Khống thể để sự lộn xộn, phản giáo dục như thế tồn tại mãi vì giáo dục không đơn thuần là vấn đề truyền thụ kiến thức mà trước hết là vấn đề dạy dỗ, rèn luyện tư cách, đạo lí làm người. Thiếu trung thực là biểu hiện của sự thoái hóa nhân cách, đánh mất lòng tự trọng và phụ lòng tin của mọi người đối với mình. Khởi đầu bằng sự dối trá, gian lận thì tất yếu không thể có được một kết quả tốt đẹp trong cuộc đời. Bên cạnh đó, hiện tượng thiếu trung thực trong thi cử sẽ tạo ra sự bất công giữa người chăm chỉ, thật thà và kẻ lười nhác, dối trá; làm đảo lộn mọi giá trị tài năng và đạo đức trong xã hội.

“Bệnh thành tích” là mảnh đất màu mỡ cho thói dối trá, gian lận trong thi cử phát triển. Không chỉ thí sinh mà cả thầy cô giáo cũng có thái độ sai. Việc cố tình để lộ đề thi ở trường này, trường khác, hiện tượng giám thị gợi ý, thậm chí đọc bài giải cho thí sinh chép cũng có, dù biết rằng là vi phạm nội quy thi cử. Rồi một số phụ huynh nông nổi, cạn nghĩ cũng có những hành động tiêu cực như ném phao, nhờ người giải bài, thuê người thi hộ, đe dọa giám thị… để “hỗ trợ” con em thi “đỗ”.

“Nói không với tiêu cực trong thi cử” đang là một vấn đề cần thiết phải làm ngay đối với ngành giáo dục. Bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục ý thức trung thực là những biện pháp kỉ luật nghiêm minh, đủ sức răn đe những thí sinh có ý định gian lận trong thi cử. Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có sự đổi mới trong cách ra đề thi, đòi hỏi người thi phải có tư duy và phương pháp làm bài chứ không tạo cơ hội cho họ sao chép. Đổi mới cách ra đề thi là một cách hạn chế tiêu cực trong thi cử khá hiệu quả. Mặt khác, công tác coi thi cần được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm. Một khi giám thị coi thi không nghiêm túc thì làm sao đòi hỏi sự nghiêm túc ở thí sinh? Đã từng tồn tại hiện tượng các giáo viên cố ý bỏ ra ngoài hay canh chừng cho học sinh chép tài liệu, thậm chí làm bài hộ học sinh trong các kì thi tốt nghiệp. Phải chấm dứt ngay tình trạng đó và nếu ai cố tình vi phạm thì phải chịu những hình thức kĩ luật thích dáng. Đối với các thí sinh có thái độ không trung thực trong thi cử cũng cần xử phạt nghiêm khắc tùy theo mức độ như trừ điểm hay hủy bài thi, thậm chí cấm dự thi vĩnh viễn. Những điều sai trái trong thi cử phải bị xử lí trước pháp luật. Có như vậy thì mới lập lại được trật tự kỉ cương nơi trường thi và mới xóa bỏ bất công: kẻ lười biếng, dốt nát, dối trá thì đỗ, còn người chăm chỉ, học khá, trung thực thì lại trượt.

Để đẩy lùi và dần dần xóa bỏ những biểu hiện tiêu cực trong học tập và thi cử, cần có sự kết hợp đồng bộ, chặt chẽ của toàn xã hội trong một thời gian dài. Trước mắt, mỗi học sinh phải có nhận thức đúng đắn về mục đích của việc học là để nâng cao trình độ hiểu biết toàn diện để sau này có đủ khả năng làm việc và tạo dựng sự nghiệp cho bản thân, đồng thời đóng góp hữu ích cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Hi vọng trong một thời gian không xa, các kì thi sẽ trở nên nghiêm túc và trường thi đúng là nơi đánh giá chính xác về mặt chất lượng học tập của học sinh và giảng dạy của giáo viên. Các kì thi sẽ là nơi đọ sức, so tài để phát hiện ra những hiền tài phục vụ cho sự nghiệp dựng xây đất nước giàu mạnh.

….