Cảm nhận của em về đoạn trích Trao duyên của Nguyễn Du rất hay

Cảm nhận của em về đoạn trích Trao duyên (Truyện Kiều) của Nguyễn Du

Bài làm

“Truyện Kiều” hay “Đoạn trường tân thanh” là một thi phẩm văn học trung đại xuất sắc và nổi tiếng bậc nhất nước ta. Bộ truyện thơ ấy của Nguyễn Du được ông viết hoàn toàn bằng chữ Nôm và theo thể thơ lục bát truyền thống kể về cuộc đời của nàng Vương Thúy Kiều. Dẫu rằng tài sắc vẹn toàn nhưng hồng nhan thì thường bạc mệnh, số phận của nàng cũng chẳng hề bình yên. Đoạn trích “Trao duyên” là một đoạn trích trong phần gia biến cũng là một trong những phân cảnh đau xót nhất của Kiều.

Vương gia là một gia đình bậc trung lưu trong xã hội vô lại thêm ăn ở hiền lành, làm phúc tích đức vốn dĩ sẽ phải có một cuộc đời bình yên vô sự. Nhưng trong cái xã hội phong kiến đổ nát thời bấy giờ cường, tiền quyền là những thế lực đen tối đè nén, áp bức dân lành và gia đình Kiều cũng là nạn nhân trong số đó, cha và em trai của nàng bị đẩy vào vụ án oan tày trời. Không còn lối đi nào khác, Kiều đành quyết định bán mình chuộc cha và em trai khỏi ngục tù và những trận tra khảo dã man. Sau cái quyết định ấy, nàng biết rằng sẽ phải lỡ lời hẹn ước với chàng Kim đành cậy nhờ Thúy Vân, em gái ruột của mình thay mình trả mối nghĩa tình sâu nặng này. Đoạn trích “Trao duyên” từ câu 723 đến câu 756 chính là lời của Thúy Kiều mong nhờ Thúy Vân giúp đỡ để mình xin trả chữ hiếu cho cha.

Ngay từ bốn câu thơ đầu của đoạn trích, Kiều đã nói những lời xót xa, thương cảm khiến cả Thúy Vân hay mỗi người đọc đều cảm thấy có điều không bình thường:

Cậy em em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Giữa đường đứt gáng tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Thúy Kiều vốn là chị cả trong gia đình, Thúy Vân cũng kêu nàng một tiếng chị nhưng lúc này nàng lại dùng từ “cậy – chịu”, “lạy – thưa” sẽ là không hợp quy tắc, lễ giáo chút nào. Tuy nhiên, đây đâu phải chỉ là lời nói chuyện bình thường của hai chị em mà đây là lời nhờ vả, trông cậy vào người em gái duy nhất của mình. Xót xa, đau đớn biết bao nhiêu khi phải nhờ chính em gái mình thay mình gả cho người mình yêu nhưng đó cũng là cách tốt nhất mà Kiều có thể làm được để trả nợ ân tình cho Kim nên nàng mới như đành ép buộc Vân. Nhưng bên cạnh đó, có lẽ nàng hiểu Kim Trọng là một con người tài đức đủ cả nên em gái mình chắc cũng chẳng chịu thiệt thòi khi lấy người ấy làm trượng phu cả đời. Bởi thế nên nay tơ tình của chị đã đứt em hãy thay chị dùng keo loan mà chắp nối sợi tình duyên này.

Xem thêm:  Soạn bài phỏng vấn và trả lời phỏng vấn

Sẽ có những người trách Kiều sao buộc Vân phải lấy người mà mình đáng ra phải gọi là tỷ phu chứ ?. Nhưng những lời nói tiếp theo của Kiều mới khiến ta thấu ra hết thảy:

Kể từ khi gặp chàng Kim,

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.

Sự đâu sóng gió bất kì,

Hiếu tình không lẽ hai bề vẹn hai.

Nàng cho mọi người thấu tâm tính của Kim Trọng, một thư sinh nho nhã, thanh tao. Ngay từ vật đính ước giữa họ là một cây quạt chứ không phải vàng bạc châu báu, họ thề nguyền với nhau dưới ánh trăng bằng tâm tình của họ chứ không phải lấy nhau bằng hôn sự của cha mẹ đặt cho. Thế để thấy sự chính nhân quân tử của Kim nên Kiều giao Vân cho chàng cũng là sự thay mặt cha mẹ gả em gái cho một gia đình môn đăng hộ đối theo lễ giáo thời phong kiến bấy giờ. Bên cạnh đó cũng bởi sóng gió bất ngờ ập tới mà Vương gia, Kiều phận làm trưởng nữ nàng cũng thấu hiểu tình, hiếu chẳng thể sóng đôi, nàng đành phải hi sinh mối tình cảm sâu nặng của mình để đặt chữ hiếu làm đầu. Mỗi chúng ta đọc đến đây đều cảm động cũng nể phục con người Kiều hiếu tình son sắt,  thấu đạt lí tình.

Đã đành lòng trao duyên lại cho em Kiều vẫn nặng mang ái tình son sắt trong tim chỉ biết tạ ơn em mong em vì tình thâm máu mủ mà giữ trọn lời thề non nước giùm mình:

Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây.

Những lời tâm tình này của Kiều mà như lời từ biệt cũng như tạ ơn với Thúy Vân. Nàng thấy được tuổi xuân của Vân vẫn còn dài đủ để trả nợ ân tình, giữ lời thề nguyền tựa như non nước nên nàng mới dùng đến huyệt thống tình thâm mà nhỡ Vân giúp đỡ. Và có lẽ nàng cũng đã thấy tuổi xuân, tương lai của mình sẽ chẳng còn được bao nhiêu có thể sẽ thịt nát sương mòn nhưng dẫu sao thì chị cũng đã có thể ngậm cười chín suối, danh tiếng sạch trong bởi chữ hiếu đã tròn vẹn, chữ tình cũng được thành toàn, tất cả đều nhờ mối tơ tình hôm nay được em giữ giùm. Qua đây, ta càng rõ chân tâm của Kiều nàng không chỉ hi sinh bản thân mà đồng thời hi sinh cả mối tình đẹp đẽ của mình nhưng nàng không mở một lời oán than với Vân mà chỉ nhờ cậy rồi tạ ơn với Vân, nàng quả thật tình nghĩa hơn người.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về Tôn sư trọng đạo

cam nhan cua em ve doan trich trao duyen cua nguyen du rat hay - Cảm nhận của em về đoạn trích Trao duyên của Nguyễn Du rất hay

Cảm nhận của em về đoạn trích Trao duyên

Nàng cũng trao lại cho em tất cả những tín vật đính ước của mình và chàng Kim. Không phải nàng không trân trọng, không yêu quý những vật đó mà nàng hiểu rằng giờ đây khi mình rời đi mang nó theo cũng chẳng còn giá trị nên nguyện giao hết cho Vân giữ gìn cũng coi như là làm tin:

Chiếc vành với bức tờ mây,

Duyên này thì giữ vật này của chung.

Dù em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.

Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.

Tất cả tín vật “chiếc vành”, “tờ mây”, “phím đàn”, “mảnh hương” Kiều không giữ một vật nào cho riêng mình tất cả đều để lại hết cho Vân. Nhưng duy nhất một thứ nàng vẫn ghim chặt trong lòng đó là mối duyên với Kim Trọng, cũng chẳng biết là tình duyên, duyên nợ hay là nghiệt duyên mà nàng vẫn giữ riêng mình. Bằng trái tim thấu hiểu người mình thương và chính tình cảm sâu nặng trong mình, nàng biết Kim sẽ chẳng mảy may không quan tâm mà cũng sẽ thương nhớ mình nên nàng đưa mỗi vật đính ước thì liền dặn dò em mình lấy đó làm tin. Tâm tư của Kiều cẩn thận, tỉ mỉ dù cho nàng có phải chia xa nhưng vẫn lo lắng quan tâm những người ở lại sẽ nhớ thương, đau xót mà đành giao vật làm tin giữ mối tình cảm mãi mãi trong thời đẹp đẽ.

Bằng trí tuệ sâu sắc của mình Thúy Kiều như đã thấy hết được số mệnh của mình có thể sẽ gặp phải kết cục không hay khi bước theo con đường này nên dặn Vân những lời cuối cùng rằng:

Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy là hiu hiu gió thì hay chị về.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt khuất lời,

Rưới xin giọt nước cho người thác oan.

Những lời nói này của Kiều nghe sao chua xót, đắng cay. Trên đời có ai đang tuổi độ xuân thì lại nhắc tới cái chết của chính mình mà lại còn là “thác oan”. Nhưng dẫu không còn thân xác thì nàng vẫn nặng tình thương nhớ mà muốn quay trở về. Nếu khi Vân đốt “hương nguyền” hay so lại “phím đàn” thì nếu ngọn cây có rung rinh thì hãy hiểu rằng chị mình về. Trong câu này, Nguyễn Du tinh tế khi sử dụng chính những vật đính ước như để đánh thức tâm hồn Kiều càng khiến chúng ta hiểu rõ hơn sự thủy chung, son sắt của Kiều. Con người ấy dẫu không còn thể xác nhưng hồn phách vẫn nặng mang lời thề không thể bỏ quên nên dù có thịt nát xương tan cũng phải đền đáp nghĩa tình đôi lứa chàng dành cho thiếp, thiếp gửi nơi chàng vĩnh viễn không quên. Và rốt cuộc nàng xin một chén nước cho thân phận bạc bẽo của mình giọt nước ấy như để giải oan, rửa sạch tất cả bụi trần, thanh tẩy cho chân tâm của nàng.

Xem thêm:  Suy nghĩ về hiện tượng Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Cuối cùng nàng quay trở về thực tại, muôn vàn nỗi xót xa lại ập trở tới, những lời nàng nói ra như than thở với chính bản thân mình:

Bây giờ trâm gãy gương tan,

Kể làm sao siết muôn vàn ái ân !

Trăm nghìn gửi lại tình quân,

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi !

Phận sao phận bạc như vôi !

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Ôi Kim lang ! Hỡi Kim lang !

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây !

Thực tại xót xa “trâm gãy”, “gương tan” làm sao mà có thể liền lại như tình chàng ý thiếp dẫu có tâm nhưng vô lực đành gửi trả lại hết cho chàng mối tơ duyên ngắn ngủi ấy. Nàng đau đớn, tủi hờn mà chỉ có thể thốt lên rằng sao thân phận mình lại bạc bẽo, khổ đau như nước chảy hoa trôi thì bản thân mình cũng chỉ đành buông xuôi mặc dòng đời xô đẩy. Nhưng trong lương tâm nàng vẫn luôn nhắc nhở về người mà mình mắc nợ, đã phụ bạc tình cảm khiến tự Kiều càng tự trách bản thân nhưng cũng càng xót xa cho số kiếp của mình. Hai câu thơ cuối cùng của đoạn trích, tác giả dùng đến hai thán từ “ôi, hỡi” nghe sao mà đau đớn khôn nguôi, cộng thêm hai từ thôi thôi liên tiếp khiến người đọc hiểu rằng Kiều đành tự mình tạ lỗi trước với Kim Trọng bởi đời này kiếp này đã không thể trở lại như xưa. Qua những lời chua cay của Kiều ở thực tại không chỉ khiến mỗi người đọc như ứ đọng một nỗi niềm thương cảm với Kiều mà mỗi chúng ta cũng nhận ra tình cảm của Kiều dẫu rằng một đời trong sạch, thủy chung nhưng không thể chống lại sự thật phũ phàng.

Đoạn trích “Trao duyên” đọc xong mỗi chúng ta như lặng đi hơn bao giờ hết bởi sự xót xa, đau đớn thay cho nàng Kiều dẫu mang trong mình nhân cách thanh cao, tài năng xuất chúng, nhan sắc mỹ miều nhưng lại gặp số phận đắng cay, mối tình oan trái, thân phận hẩm hiu. Bên cạnh đó, ta còn thấy được tài năng miêu tả nội tâm nhân vật, sử dụng từ ngữ gợi hình, gợi cảm cùng những điển cố, điển tích của đại thi hào Nguyễn Du.

Đỗ Dũng