Đáp án đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 ĐH SP Hà Nội

Đáp án đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 ĐH SP Hà Nội

Hướng dẫn

TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM HÀ NỘI

TRƯỜNG PTTH CHUYÊN

————-

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—-—«™—-

ĐỀ NGUỒN THI HSG DUYÊN HẢI BẮC BỘ 2019

MÔN NGỮ VĂN 11

Thời gian: 180 phút

Câu 1: (8 điểm)

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến sau:

Chúng ta thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của mình nhưng rồi sau đó lại dành cả đời để sống theo tiêu chuẩn của người khác

(Khuyết danh)

Câu 2: (12 điểm)

Trong bài thơ “Giấc mộng đêm”, Lưu Quang Vũ có viết:

Anh chớ ngại con đường gian khổ nhất

Đau nỗi đau của mỗi trái tim người

Để thơ anh mang lửa đến cho đời

Trên chữ “tài”, chữ “tâm” kia phải “lớn”

Bằng hiểu biết văn học của mình, anh (chị) hãy bình luận ý thơ trên.

Người ra đề

Nguyễn Bích Thảo

TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM HÀ NỘI

TRƯỜNG PTTH CHUYÊN

————-

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—-—«™—-

ĐÁP ÁN ĐỀ NGUỒN THI HSG DUYÊN HẢI BẮC BỘ 2019

MÔN NGỮ VĂN 11

Câu 1 (8.0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, biết vận dụng tốt các thao tác lập luận.

– Tổ chức bố cục bài viết mạch lạc, chặt chẽ; không mắc lỗi diễn đạt, chính tả, ngữ pháp.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo một số yêu cầu cơ bản sau:

  1. Giải thích nội dung ý kiến

Ý kiến trên đã nêu lên một nghịch lý, cũng chính là sai lầm của con người:

Con người thường đánh giá người khác theo chỗ đứng, quan điểm, thước đo của bản thân; nhưng cuộc sống của chính mình lại bị chi phối bởi cái nhìn, quan điểm, tiêu chuẩn của người khác.

  1. Bình luận

* Mỗi con người là một thế giới riêng tư, và là duy nhất. Mỗi người có một quan điểm, lập trường, tiêu chuẩn riêng. Không thể có tiêu chuẩn, thước đo nào áp dụng đúng với tất cả mọi người, trong mọi thời điểm. Tuy nhiên, con người thường mắc vào những sai lầm:

Chúng ta thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của mình:

+ Con người thường có thói quen đánh giá, phán xét người khác. Nhưng khi đánh giá người khác, ta lại thường lấy quan điểm, lập trường của ta để đánh giá họ, chứ không tìm hiểu kĩ về họ, không đặt mình vào vị trí của họ để thấu hiểu.

Xem thêm:  Ở hiền nhất định sẽ gặp lành” là triết lí của truyện cổ tích thần kì

+ Vì thế, sự đánh giá của ta thường chủ quan, phiến diện và dễ mắc sai lầm. Ta dễ trở thành kẻ áp đặt, định kiến, hẹp hòi, khó cảm thông, đồng cảm với mọi người xung quanh.

sau đó lại dành cả đời để sống theo tiêu chuẩn của người khác:

+ Con người thích phán xét người khác, nhưng lại sợ bị người khác phán xét; con người dễ bị chi phối bởi quan niệm, cái nhìn của những người xung quanh. Nhiều người chọn sống trong cái kén được bao bọc bởi tiêu chuẩn của người khác, thay vì sống với thang giá trị, với mong muốn, khát vọng của chính mình. Điều này thường gặp ở những con người thiếu tự tin, không dám thể hiện bản ngã, luôn lo sợ nếu sống khác với tiêu chuẩn của mọi người, ta sẽ bị cô lập, sẽ bị soi mói, sẽ bị thất bại,…

+ Lựa chọn sống theo tiêu chuẩn của người khác, con người thường rơi vào trạng thái gồng mình, gò ép mình cho vừa khuôn mẫu của người khác, khó đạt được thành công, hạnh phúc và cảm giác bình yên; dễ đánh mất bản ngã, bỏ lỡ sở trường, khát vọng của riêng mình.

Học sinh lấy dẫn chứng để làm sáng tỏ.

  1. Bài học nhận thức và hành động

– Cần biết tôn trọng cá nhân, biết đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu, đồng cảm; tránh cái nhìn chủ quan, phiến diện, áp đặt.

– Cần biết lắng nghe bản thân, xác lập và sống với tiêu chuẩn, thang giá trị của chính mình, biết tiếp thu góp ý từ người khác một cách tích cực, có bản lĩnh sống vững vàng để không bị chi phối bởi cái nhìn, quan niệm phiến diện của người khác.

Câu 2 (12.0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.

– Biết cách chọn và khai thác dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

– Tổ chức bố cục bài viết mạch lạc, không mắc lỗi diễn đạt, chính tả, ngữ pháp.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo một số yêu cầu cơ bản sau:

  1. Giải thích ý thơ của Lưu Quang Vũ

– Những câu thơ của Lưu Quang Vũ đã nêu lên quan niệm về nhà thơ và thơ:

+ Thơ mang lửa đến cho đời: đó là những vần thơ đem tới ánh sáng, hơi ấm cho cuộc đời; thơ thắp lửa trong tim người đọc, đó là ngọn lửa của tình yêu thương, của lương tri, của khát khao hướng về chân – thiện – mĩ. Theo Lưu Quang Vũ, đó chính là sứ mệnh của thơ ca nói riêng và văn chương nói chung.

Xem thêm:  Nghị luận: “Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Nhưng….tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi nữa thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân thiện mĩ, quy luật nhân bản” (Lã Nguyên – Về tác gia và tác phẩm, NXBGD)

+ Để sáng tạo được những vần thơ mang lửa đến cho đời, người nghệ sĩ bên cạnh tài năng, chữ “Tâmphải lớn – chữ Tâm ấy là tấm lòng yêu thương con người sâu sắc, đau trước nỗi đau của con người, nâng niu trân trọng vẻ đẹp của con người, cuộc đời, khao khát đem tới những điều tốt đẹp cho con người; chữ Tâm ấy còn là bản lĩnh và nhân cách của người nghệ sĩ.

Chữ “tâm” phải lớn mới khiến nhà văn can đảm bước lên con đường gian khổ nhất, đau nỗi đau của mỗi trái tim người. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, nhà văn phải dấn thân vào những mảng hiện thực gồ ghề, gai góc, thậm chí là đau thương nhất, đến gần với những cá nhân con người, để thấy nỗi đau chung của con người và cả những niềm đau riêng của họ; đồng cảm sâu sắc cùng với những nỗi đau ấy. Nhà văn phải cháy lên ngọn lửa của tình yêu thương, niềm tin với cái đẹp, cái thiện; ngọn lửa căm hờn trước cái xấu, cái ác để viết lên những vần thơ mang ngọn lửa ấy truyền tới độc giả.

  • Những câu thơ của Lưu Quang Vũ đã đề cao chữ Tâm của nhà thơ và sứ mệnh cao cả của thơ ca đối với con người và cuộc đời.
  1. Bình luận về ý thơ của Lưu Quang Vũ

– Ý thơ của Lưu Quang Vũ đúng đắn và sâu sắc không chỉ riêng đối với nhà thơ và thơ ca, mà còn đối với người nghệ sĩ và văn chương nói chung:

+ Sứ mệnh của văn chương là mang ngọn lửa của trái tim người nghệ sĩ truyền tới độc giả, để thắp lên trong lòng họ ngọn lửa của yêu thương, tình người, của niềm tin, khát vọng…

+ Để thực hiện sứ mệnh cao cả ấy, trước tiên nhà văn cần có cái tâm trong sáng và tha thiết yêu con người, cuộc đời. Dù có tài năng, nhưng nếu thiếu cái tâm, nhà văn sẽ không thể viết những tác phẩm chân chính, cho con người và vì con người. Như Nguyễn Du đã khẳng định: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, hay nhà văn T.Sê khốp nhận định: Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy.

+ Trên hành trình sáng tạo, người nghệ sĩ phải hòa mình vào cuộc đời, không chỉ nâng niu, trân trọng niềm hạnh phúc của con người mà còn cần thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc với cuộc đời, với nhiều số phận, cảnh ngộ; dám nói lên nỗi đau và cả khát vọng chính đáng của con người, lên tiếng tố cáo cái xấu, cái ác. Sự xúc động ấy phải mãnh liệt thì nhà văn mới có thể cầm bút sáng tạo. Con đường ấy gian khổ, lắm chông gai, hành trình trên con đường ấy nhọc nhằn, thậm chí cô đơn nhưng người nghệ sĩ phải dấn bước và đi tới cùng để tìm sự thật, để truyền tới người đọc ngọn lửa yêu thương, niềm tin, nhiệt huyết và khát vọng đẹp.

Xem thêm:  Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề sự tử tế

(Học sinh có thể bàn về thơ – một thể loại trữ tình, thơ chứa đựng những cảm xúc mãnh liệt của cá nhân nghệ sĩ, vì thế xúc cảm, tấm lòng của nhà văn có ý nghĩa tối quan trọng: Thơ phát khởi từ trong lòng người ta (Lê Quý Đôn), Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần (Ngô Thì Nhậm)

+ Ý thơ của Lưu Quang Vũ đề cao tấm lòng của người cầm bút, coi đó là là yếu tố quan trọng bậc nhất trong sáng tạo văn chương, tuy nhiên không có nghĩa hạ thấp vai trò của tài năng, bởi nhà thơ, nhà văn dù chữ tâm có lớn tới đâu cũng không thể thiếu tố chất của người nghệ sĩ. Cái tài nhờ có cái tâm để “cháy lên”, cái tâm nhờ có cái tài mà “tỏa sáng”, đó là hai yếu tố không thể tách rời.

Học sinh phân tích các dẫn chứng văn học để làm sáng tỏ.

  1. Đánh giá

– Ý thơ của Lưu Quang Vũ đã nhấn mạnh tới hai yếu tố quan trọng đối với sáng tạo nghệ thuật, đó là chữ tâm và chữ tài của người nghệ sĩ; trong đó đặc biệt nhấn mạnh tấm lòng của người nghệ sĩ phải lớn để sáng tạo những tác phẩm mang lửa cho đời.

Qua đó, đặt ra yêu cầu với người sáng tạo và người tiếp nhận:

– Người cầm bút phải có cái tâm trong sáng, bản lĩnh vững vàng và yêu thương con người sâu nặng, phải tiếp cận ở bề sâu cuộc sống, chứng kiến, đồng cảm sâu sắc với mọi vui buồn, hạnh phúc và đau khổ của con người. Đồng thời, nhà văn phải trau dồi tài năng để truyền tải được ngọn lửa trong trái tim của mình đến với người đọc.

– Ý kiến trên còn là lời gợi nhắc người đọc trong quá trình tiếp nhận phải có sự tri âm với người nghệ sĩ, để nhận ra được ngọn lửa ẩn giấu trong mỗi trang văn và thắp lên ngọn lửa ấy trong trái tim mình.

Theo Taplamvan.edu.vn

Từ khóa tìm kiếm

  • https://taplamvan edu vn/dap-an-de-nguon-thi-hsg-duyen-hải-bac-bọ-ngũ-van-11-nam-2019-dh-sp-ha-nọi/