Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 -Chuyên Hòa Bình

Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 -Chuyên Hòa Bình

Hướng dẫn

HỘI CÁC TRƯỜNG CHUYÊN

VÙNG DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

HOÀNG VĂN THỤ – HÒA BÌNH

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 11

NĂM 2018

Thời gian làm bài: 180 phút

(Đề thi gồm 2 câu trong 01 trang)

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

Câu 1 (8,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: Cuộc sống cũng tương tự như một trò đấm bốc. Thất bại không được tuyên bố khi bạn ngã xuống mà là khi bạn từ chối đứng dậy

Anh (chị) hãy trình bày quan điểm của mình về ý kiến trên.

Câu 2 (12,0 điểm)

Bình luận ý kiến sau của nhà phê bình Viên Mai và làm sáng tỏ bằng một số tác phẩm thơ ca trong chương trình ngữ văn 11:

Thơ thích đạm hơn thích nồng, nhưng phải là sự đạm sau khi đã nồng” (Thi nghi đạm bất nghi nồng, nhiên tất tu nồng hậu chi đạm)

————————————————————————————————————–

ĐÁP ÁN + BIỂU ĐIỂM CHẤM MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 11

Câu Nội dung chính cần đạt Điểm
1 Có ý kiến cho rằng: Cuộc sống cũng tương tự như một trò đấm bốc. Thất bại không được tuyên bố khi bạn ngã xuống mà là khi bạn từ chối đứng dậy

8,0
Đây là dạng đề mở. Thí sinh có quyền tự do trình bày suy nghĩ của mình theo những hướng khác nhau. Tuy nhiên, cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau:

– Về hình thức và kĩ năng

Trước hết, thí sinh cần phải xác định đây là đề nghị luận xã hội. Dạng đề này cho phép thí sinh tự do lựa chọn các kiểu bài và thao tác tạo lập văn bản khác nhau, nhưng phải phù hợp và nhuần nhuyễn. Đồng thời, thí sinh cũng đựoc tự do huy động các chất liệu khác nhau như: chất liệu thuộc tri thức sách vở, tri thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình. Tuy nhiên, vẫn phải xác định rõ vấn đề ở câu này thuộc về thực tế đời sống chứ không phải trong các tác phẩm văn học.

– Về nội dung

Bài làm cần đạt được những nội dung cơ bản sau:

I/ Mở bài: Giới thiệu vấn đề, trích dẫn nhận định

0,5
II/ Thân bài

a.Giải thích một số thuật ngữ:

­Cuộc sống: thời gian được sống trên cuộc đời của mỗi con người

Thất bại: sự thua cuộc, đầu hàng

Bạn ngã xuống: hành động chỉ việc mắc sai lầm, vấp ngã

Từ chối đứng dậy: hành động cho thất sự bỏ cuộc, sự đầu hàng hoàn toàn trước số phận của bạn

-> Như vậy có thể hiểu ý kiến trên thông qua việc so sánh cuộc sống như một trò chơi đã bàn bàn về cách thái độ sống của con người trong đó khẳng định bạn không thua cuộc khi vấp ngã, mắc sai lầm mà chỉ thực sự thua cuộc và thất bại khi không dám đứng dậy để làm lại, để thay đổi

`

1,5

b. Bình

Học sinh cần đưa ra được chính kiến của cá nhân về lối sống này: đồng ý hay không đồng ý. Mọi ý kiến đều được chấp nhận miễn là học sinh có lập luận chặt chẽ, dẫn chứng hợp lý để chứng minh cho quan điểm của mình.

– Học sinh cần khẳng định đây là một quan điểm bổ ích và sâu sắc.

– Học sinh cần dùng lý lẽ, dẫn chứng để chứng minh cho nhận định. Có một vài gợi ý như sau:

+ Thất bại thực sự không phải là khi ngã xuống: vì trong cuộc sống việc mắc sai lầm là khó tránh khỏi kể cả với những người ưu tú, tài giỏi nhất ; hơn nữa sai lầm, vấp ngã giúp cho con người nhìn rõ được hạn chế, điểm yếu của bản thân, từ đó mang đến những bài học quý giá…Vấp ngã như vậy chỉ mang ý nghĩa là thất bại tạm thời và nếu bạn ứng xử tốt với sai lầm, vấp ngã, nó sẽ là bàn đạp đưa bạn tới thành công

+ Thất bại là khi từ chối đứng dậy: vì từ chối đứng dậy là thái độ sống yếu ớt, hèn nhát, không dám đối mặt với sự thật, không dám thay đổi. Với thái độ sống này thì thất bại là điều sớm muộn sẽ đến và bạn sẽ không chỉ thất bại trước người khác mà còn rơi vào thất bại đau đớn nhất là không dám vượt qua chính mình. Hơn nữa, với thái độ này, bạn sẽ không thể nhìn thấy những hạn chế của bản thân để khắc phục và sẽ tự chôn vùi mình trong sự bi quan, bế tắc + Đôi khi bắt chước, sao chép cuộc sống suy nghĩ của người khác sẽ khiến cho con người mệt mỏi, giả dối, không tìm được hạnh phúc

3
c/ Luận

Học sinh cần lật xuôi, lật ngược vấn đề để bàn luận và rút ra bài học cho bản thân.

– Cần nhận thấy, thất bại không phải là khi ngã xuống nhưng không đồng nghĩa với việc cho phép mình vấp ngã liên tục, đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Sau mỗi sai lầm cần nghiêm khắc nhìn lại, rút ra bài học để hạn chế những lần vấp ngã sau

– Từ chối đứng dậy cũng cần hiểu không phải là trong cuộc cạnh tranh với người khác mà là với chính cuộc đời mình để tránh thái độ cố chấp, bảo thủ. Có những thời điểm sẽ phải chấp nhận mình sai, mình thua cuộc để sau đó tìm cách thay đổi, khắc phục. Mình có thể chưa vượt qua được người khác nhưng phải vượt qua được chính mình

– Học sinh cần liên hệ bản thân để rút ra những bài học về nhận thức cũng như hành động. Đây là phần cần được đánh giá cao.: khuyến khích những cảm xúc chân thành, những câu chuyện cảm động, chân thực của bản thân học sinh về cuộc sống của chính mình

2,5
III/ Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa việc sống độc lập, có bản sắc cá nhân. 0,5

2

Bình luận ý kiến sau của nhà phê bình Viên Mai:

Thơ thích đạm hơn thích nồng, nhưng phải là sự đạm sau khi đã nồng” (Thi nghi đạm bất nghi nồng, nhiên tất tu nồng hậu chi đạm)

12,0
Thí sinh có quyền triển khai bài làm của mình theo những hướng và các cách khác nhau. Tuy nhiên, bài làm cần đạt được một số yêu cầu cơ bản sau:
Mở bài:

Dẫn dắt để giới thiệu được luận đề

0,5
1/ Giải thích ý kiến:

Thơ: là một thể loại văn học được sáng tác bằng phương thức trữ tình, thường có vần có nhịp, dùng để thể hiện tình cảm, cảm xúc của người viết

Đạm: sự giản dị, nhẹ nhàng nhưng thấm thía, có dư vị, dư ba

-Nồng: sự rõ ràng, lên gân, phô trương

=> Ý kiến của Viên Mai đưa ra một quan điểm về thơ ca và văn học nói chung phổ biến trong thời trung đại trong đó khẳng định thơ ca thường được đánh giá cao ở lối viết giản dị, nhẹ nhàng mang đến nhiều dư ba, dư vị hơn là lối viết bóng bẩy, lên gân, phô trương nhưng đó không phải là cái “đạm” của một trái tim nghèo nàn cảm xúc và cần cái “Đạm” của một trái tim với những cảm xúc mãnh liệt, sục sôi sau đó được chưng cất lên để thể hiện ra một cách giản dị, giàu dư vị

1,5
2/ Bình

* Khẳng định ý kiến trên là hoàn toàn xác đáng, sâu sắc và đúng đắn.

*Chứng minh:

Khẳng định ý kiến trên là hoàn toàn xác đáng, sâu sắc và đúng đắn.

– Chứng minh: Học sinh kết hợp kiến thức lí luận và kiến thức văn học để chứng minh

+ Thơ quý đạm hơn quý nồng: vì giản dị vốn là đỉnh cao của cái đẹp. Sự nhẹ nhàng, giản dị nhưng nhiều dư ba thể hiện tài năng của tác giả ở một trình độ rất cao, hơn nữa tạo ra những khoảng trống, khoảng trắng cho người đọc được đồng sáng tạo với nhà thơ. Hơn nữa cái hay của thơ không nằm trên bề mặt câu chữ mà là phần ý ở ngoài lời, nên càng “đạm” càng giúp cho thơ có nhiều dư ba. Còn lối viết lên gân, phô trương, bóng bẩy có thể giúp nhà thơ chuyển tải được cảm xúc của mình nhưng khó có thể mang đến cho người đọc những dư vị sau đó

+ Nhưng phải là đạm sau khi đã nồng: vì thơ là lĩnh vực của cảm xúc, nếu thiếu đi nhiệt hứng, sự mãnh liệt nồng nàn trong cảm xúc thì đạm không còn là thanh đạm mà chỉ còn là đạm bạc, nghèo nàn, không thể lay động được trái tim người đọc. Thơ dùng cảm xúc để chạm đến cảm xúc người đọc, bởi vậy nếu chưa chạm đến cảm xúc của người đọc thì cũng không thể khơi gợi những ý nghĩa sâu xa đằng sau lớp vỏ ngôn từ ít ỏi

Để làm sáng tỏ những lí lẽ trên học sinh cần dùng các dẫn chứng về việc sáng tạo nghệ thuật ở đây tập trung làm sáng tỏ trong các tác phẩm văn học. Đánh giá cao những học sinh biết chọn và phân tích dẫn chứng phù hợp, sắc sảo. Với chương trình thơ 11 những dẫn chứng thực sự phù hợp cho đề này sẽ là: Thu điếu (Nguyễn Khuyến), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Tràng giang (Huy Cận), Chiều tối (Hồ Chí Minh)….

6,5

3/ Luận:

Mở rộng vấn đề: Quan niệm về “Nồng” “Đạm” trong thơ ca cần rất linh hoạt và quan niệm của Viên Mai chỉ hoàn toàn đúng với quan niệm thơ ca trung đại chứ với thơ ca hiện đại cần có nhìn phóng khoáng hơn. Rất nhiều trường hợp nhà thơ dùng lối thể hiện rất “nồng” nhưng vẫn rất hấp dẫn nếu đó không phải là một sự khiên cưỡng, gò ép mà là sản phẩm của cá tính, của một cái tôi mãnh liệt (ví dụ trường hợp của Xuân Diệu)

– Bài học:

+ Với nhà văn: Cần đi sâu vào cuộc sống để có những nguồn cảm hứng mãnh liệt rồi tìm cách thể hiện qua những hình thức có nhiều dư ba, dư vị

+ Với người đọc: Cần tìm ra được cái “nồng” đằng sau lớp vỏ thanh đạm của những tác phẩm văn học

3,0
Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị vấn đề 0,5
Xem thêm:  Dàn bài: So sánh khát vọng sống mãnh liệt qua khổ thơ cuối bài thơ “Sóng” (Xuân Quỳnh) và “Vội vàng” (Xuân Diệu)

Theo Taplamvan.edu.vn

Từ khóa tìm kiếm

  • https://taplamvan edu vn/de-nguon-thi-hsg-duyen-hải-bac-bọ-ngũ-van-11-nam-2019-chuyen-hoa-binh/