Đề thi thử THPT QG môn văn liên hệ Việt Bắc- Từ ấy

Đề thi thử THPT QG môn văn liên hệ Việt Bắc- Từ ấy

Hướng dẫn

SỞ GD & ĐT TP HỒ CHÍ MINH ĐỀ THI THỬ NĂM HỌC 2017 – 2018

TRƯỜNG THPT BÌNH TÂN Môn: Ngữ văn 12 – Thời gian: 120 phút

PHẦN I. Đọc – hiểu (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cần phải huy động sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết, trong mỗi gia đình, bố mẹ phải có ý thức uốn nắn lời ăn tiếng nói hàng ngày của con cái. Nếu bố mẹ nói năng không chuẩn mực, thiếu văn hóa thì con cái sẽ bắt chước. Đặc biệt, trong nhà trường, việc rèn giũa tính chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt cho học sinh phải được xem là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên… Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải tuyên truyền và nêu gương trong việc sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn mực, đồng thời tích cực lên án các biểu hiện làm méo mó tiếng Việt…”

Câu 1. Văn bản trên đề cập đến vấn đề gì? (0.5 điểm)

Câu 2. Xác định phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0.5 điểm)

Câu 3.Tại sao trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phải huy động sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường và xã hội? (1.0 điểm)

Câu 4. Theo anh (chị), chuẩn mực tiếng Việt được thể hiện ở những mặt nào? (1.0 điểm)

PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1(2 điểm):
Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về hậu quả của chiến tranh.

Câu 2( 5 điểm):

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi

Thương nhau chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa,chăn sui đắp cùng.

Nhớ người mẹ nắng cháy lung

Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo

Nhớ sao tiếng mỏ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa

(Trích Việt Bắc, Tố Hữu)

Cảm nhận đoạn thơ trên. Từ đó, liên hệ với bài thơ Từ ấy (Tố Hữu, Ngữ văn 11) để bình luận ngắn ý kiế sau: Ngay từ đầu, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc (SGK Ngữ văn 12, Tậ I, NXBGD Việt Nam, năm 2010 tr 97).



HẾT

SỞ GD & ĐT TP HỒ CHÍ MINH ĐÁP ÁNTHI THỬ NĂM HỌC 2017 – 2018

TRƯỜNG THPT BÌNH TÂN Môn: Ngữ văn 12 – Thời gian: 120 phút

PHẦN I. Đọc – hiểu (3.0 điểm)

TRẢ LỜI:
Câu 1. Văn bản đề cập vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (0.5 điểm)

Câu 2. Văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận.Phương thức biểu đạt chính của văn bản là nghị luận. (0.5 điểm)

Câu 3. Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phải huy động sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường và xã hội là vì: gia đình, nhà trường, xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuẩn mực ngôn ngữ cho cộng đồng. (1.0 điểm)

Câu 4. Chuẩn mực tiếng Việt được thể hiện toàn diện trên các mặt: ngữ âm – chính tả, từ vựng, ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ (phát âm đúng; viết đúng hình thức văn tự của từ; sử dụng từ ngữ chuẩn xác; đặt câu đúng ngữ pháp tiếng Việt; dùng tiếng Việt, tạo lập các kiểu loại văn bản phù hợp với những bối cảnh giao tiếp khác nhau). (1.0 điểm)

PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1(2 điểm):
Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về hậu quả của chiến tranh.

Xem thêm:  Đề thi HSG Ngữ văn : Người lái đò sông Đà

GỢI Ý:

– Giải thích: Chiến tranh là biểu hiện cao nhất của mâu thuẫn không thể hòa giải, là sự tham gia bằng vũ lực từ hai bên trở lên.

– Hậu quả: Chiến tranh để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nó làm biết bao người mất mạng, bị thương tật, đau đớn tinh thần, hao tốn tiền của, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái,…

– Dẫn chứng: Chỉ tính riêng cuộc chiến tranh mà đế quốc Mĩ đã gây ra cho Việt Nam đã có gần tám triệu người Việt bị chết và bị thương tật. Hơn 4,8 triệu người bị di chứng chất độc da cam – đi-ô-xin, trong đó hơn một triệu người đã chết và hơn 150.000 trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba bị di chứng chất độc đang từng ngày đau đớn, 58 nghìn binh lính Mỹ bị thiệt mạng, 300 nghìn người Mỹ bị tàn phế. Hàng chục nghìn người Mỹ và quân lính các nước chư hầu chịu hậu quả chất độc hóa học và di chứng chiến tranh tại Việt Nam… (HS có thể lấy các dẫn chứng khác)

– Bài học, thông điệp: Suy cho cùng thì nguyên nhận chiến tranh cũng là do con người với con người vẫn còn sự đố kỵ lẫn nhau, vẫn sống theo chủ nghĩa cá nhân.Ước mong về một thế giới hòa bình sẽ luôn là niềm khao khát cháy bỏng của mọi người dân chân chính trên thế giới vì họ hiểu: “Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác”.

|Lưu ý:

– Không đúng hình thức đoạn văn, điểm tối đa là 1.0.

-Sai chính tả, ngữ pháp: trừ ¼ số điểm

– HS có những suy nghĩ khác với đáp án nhưng phù hợp, vẫn chấm điểm

Câu 2( 5 điểm):

HƯỚNG DẪN

Mở bài:0. 5

-Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam hiện đại.

– Tố Hữu có nhiều tập thơ với nhiều bài thơ có giá trị, trong đó có bài thơ “Việt Bắc”. Đoạn thơ sau thể hiện nỗi nhớ Việt Bắc của người ra đi ( trích thơ)

– Thơ Tố Hữu thể hiện lẽ sống, tình cảm cách mạng của con người Việt Nam nhưng mang đậm chất dân tộc, truyền thống, Vì thế, ngay từ đầu, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc. Điều này càng được thể hiện rõ nét hơn qua hai bài thơ của ông là “Từ ấy” và “Việt Bắc”.

Thân bài:4.0

– Khái quát về bài thơ, đoạn thơ: 0.5 đ

+Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Miền Bắc được giải phóng. Tháng 10 năm 1954, các cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước chuyển từ Việt Bắc(Thủ đô kháng chiến) về thủ đô Hà Nội. Sự lưu luyến giữa kẻ ở và người ra đi đã khơi nguồn cảm xúc lớn cho nhà thơ sáng tác “Việt Bắc”.

+ Đoạn trích thuộc phần đầu của bài thơ

– Cảm nhận nội dung, nghệ thuật về đoạn thơ: 2.5đ

* Về nội dung:

+Nêu ý chính toàn đoạn thơ: Khẳng định tấm lòng trước sau như một, nỗi nhớ sâu sắc trào dâng, tình cảm ân tình giữa kẻ đi với người ở. Cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt, kỉ niệm kháng chiến lần lượt hiện ra sâu sắc, chân thực.

+Hai dòng đầu:

++Từ “đây-đó” chỉ vị trí liền kề.

++Cụm từ “đắng cay ngọt bùi” là ẩn dụ, chỉ những gian khổ và niềm vui.

Hai câu thơ diễn tả sự gắn bó mật thiết giữa người Việt Bắc với người Cách Mạng, cùng chịu gian khổ, chia sẻ niềm vui.

+Hai câu tiếp:

++Hình ảnh “củ sắn lùi, bát cơm, chăn sui” đi với những từ ngữ “chia, sẻ, cùng” cho thấy sự thiếu thốn, khổ cực của cuộc sống kháng chiến, đắng cay cùng hưởng, ngọt bùi cùng chia

++Tượng trưng cho một mối tình đậm đà giai cấp

Hai câu thơ chứa đựng bao tình nghĩa sâu đậm. Tất cả những khoảnh khắc ấy sáng mãi trong lòng người ra đi, tâm trí người ở lại, ghi dấu ấn không thể xóa nhòa.

+Hai câu thơ tiếp theo:

++“Người mẹ nắng cháy lưng”, “địu con” gợi liên tưởng đến sự tần tảo chắt chiu, cần cù lao động của người mẹ chiến sĩ trong kháng chiến.

++Là hình ảnh tiêu biểu cho cái đẹp, ân tình trong cuộc sống kháng chiến.

+Bốn câu cuối: nhớ về Việt Bắc là nhớ về cuộc sống sinh hoạt kháng chiến một thời không thể nào quên:

++Nhớ “lớp học i tờ” xóa mù chữ: Cách mạng đem đến cho nhân dân không chỉ tự do mà còn đem đến ánh sáng của tri thức;

++Nhớ nhịp sống những “ngày tháng cơ quan”, ”gian nan vẫn ca vang núi đèo” gợi tinh thần lạc quan yêu đời của cán bộ chiến sĩ bất chấp khó khăn.

Xem thêm:  Viết đoạn văn nghị luận 200 chữ bàn về hiện tượng sống thử của giới trẻ

++Nhớ những thanh âm đặc trưng của miền núi: tiếng mõ rừng chiều, tiếng chày đêm nên cối, tiếng suối xa,….Đó là những hồi ức về cuộc sống bình dị ấm áp mà vui tươi nơi núi rừng Việt Bắc.

++Điệp cấu trúc “Nhớ sao” 3 lần cùng phép đối lập và cảm hứng lãng mạn Nỗi nhớ Việt Bắc là nỗi nhớ dạt dào và trùng điệp vang mãi trong tấm lòng mỗi con người kháng chiến.

* Về nghệ thuật:

+Bức tranh Việt Bắc hiện lên qua nỗi nhớ của chủ thể trữ tình, trong hoài niệm có ba mảng thống nhất và hòa nhập vào nhau: nỗi nhớ thiến nhiên, núi rừng Việt Bắc, cuộc sống ở Việt Bắc.

+Giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, tha thiết.

+Điệp từ “nhớ”, điệp ngữ: nhớ sao….nhớ người… trùng điệp, cùng cách ngắt nhịp của câu thơ tạo nên nét nhạc thơ thật đằm thắm.

+Hình ảnh chân thực, bình dị, giàu sức gợi cảm.

Liên hệ với bài thơ Từ ấy để bình luận ngắn ý kiế sau: Ngay từ đầu, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc. ( 1.0đ)

– Giải thích: cái tôi trữ tình: là sự bày tỏ cảm xúc riêng của nhà thơ trước các vấn đề của xã hội, trước sự phát triển của lịch sử dân tộc; Tố Hữu quả đúng là nhà thơ của lí tưởng cộng sản vì đời sống cách mạng luôn chi phối toàn diện và sâu sắc sự nghiệp sáng tác thơ của ông.

– Phân tích, chứng minh, bình luận:

Qúa trình sáng tác của Tố Hữu song hành với hành trình cách mạng: các chặng đường thơ tương ứng với các giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

+ Bài thơ“Từ ấy”:

++“Từ ấy” trích trong tập thơ cùng tên, là tập thơ đầu tay của Tố Hữu – có vị trí đặc biệt trên con đường thơ của ông.

++Bài thơ chứa đựng một cá tính mạnh mẽ, một khí chất say sưa, một quan niệm lộ tự do, không hề bị trói buộc bởi bất kỳ công thức, chuẩn mực nào, tạo nên những vẫn thơ đẹp, xúc động, đầy men say, bay bổng bậc nhất trang thơ ca cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX.

++Bài thơ còn thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc của chàng thanh niên giác ngộ lý tưởng cách mạng.

++Qua “Từ ấy”, Tố Hữu đã thể hiện một cái tôi cá nhân cảm tính, ở phương diện tích cực, mạnh mẽ một mặt mà thơ mới lãng mạn chưa hề biết đến.

+ Đoạn trích Viết Bắc nói riêng, bài thơ nói chung:

++ Cái tôi đã hoà chung với cái Ta của cộng đồng, dân tộc. Mình là ta – Ta là mình – Ta với mình như hoà quyện vào nhau, đan xen nhau. Tố Hữu đã đặt mình vào vị trí của những con người kháng chiến, nói về mình về người để bày tỏ những ân tình, lòng biết ơn sâu sắc đối với những ân tình.

++Qua “Việt Bắc” nói chung và đoạn trích nói riêng, cái tôi trữ tình của Tố Hữu trong chặng đường thơ này là cái tôi nhập vai nhằm làm nổi bật, tôn vinh lên hình tượng những con người kháng chiến, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình, niềm cảm phục trước sự hy sinh cao cả của người dân kháng chiến.

+ Khắng định tính đúng đắn của nhận định “Ngay từ đầu, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc”.

Kết bài: 0.5

Kết luận về nội dung, nghệ thuật đoạn thơ. Cảm nghĩ của bản thân về cái tôi trong thơ Tố Hữu qua 2 bài thơ

Xem thêm:  Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu

Theo Taplamvan.edu.vn