Giải thích và bình luận ý kiến sau của nhà thơ Chế Lan Viên: “Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật…”

Giải thích và bình luận ý kiến sau của nhà thơ Chế Lan Viên: “Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật…”

Hướng dẫn

Giải thích và bình luận ý kiến sau của nhà thơ Chế Lan Viên:

“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật

Mỗi giọt mật thành đôi vạn chuyến ong bay

Nay cành nhãn non Đoài, mai vườn cam xứ Bắc

Mật ngọt ở đồng bằng mà hút nhụy tận miền Tây”

(“Ong và mật” – Chế Lan Viên)


Bài văn tham khảo:

Ngoài kia cuộc đời tràn đầy sắc ngọt vị hương! Hoa nào cũng đẹp mà nụ nào cũng thơm! Yêu cuộc sống bao nhiêu thì người nghệ sĩ càng đong đầy những ý niệm của mình trong các vần thơ bấy nhiêu. Những rung động tinh tế, những trái tim ca hát của người nghệ sĩ lúc nào cũng bám riết, cũng đòi tinh chất mật ngọt của đời sống. Như đôi cánh ong chăm chỉ, Chế Lan Viên trong “Ong và mật” có viết:

“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật

Mỗi giọt mật thành đôi vạn chuyến ong bay

Nay cành nhãn non Đoài, mai vườn cam xứ Bắc

Mật ngọt ở đồng bằng mà hút nhụy tận miền Tây”

Ý kiến trên của Chế Lan Viên với hình ảnh của con ong kiếm mật đã mở ra công việc, trách nhiệm và thiên chức của mỗi nhà thơ trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật ngôn từ của mình.

Thơ là tình ca muôn đời của cuộc sống mến thương, Nhà thơ chính là người viết nhạc, người tạo lời cho bản đàn dạo suốt trăm phương. Cuộc sống thì mời mộc lắm, đáng yêu và quyến rũ lắm, nhà thơ không thể mong đứng bên ngoài khung trời ấy mà tạo nên được muôn câu thơ cho đời, Góp mình vào dòng thơ ca đó, Chế Lan Viên có những câu thơ viết về thơ rất tinh tế và sắc sảo. Với trải nghiệm của một nhà thơ lớn, Chế Lan Viên có những ý kiến rất xác đáng về thơ ca, nhà thơ cũng như quá trình hình thành nên tác phẩm. Rất nhiều bài thơ của Chế Lan Viên ẩn chứa quan niệm nghệ thuật. Những dòng thơ trong “Ong và mật” đã nói lên được thiên chức của nhà thơ, cũng như quá trình sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật văn chương. Ông ví nhà thơ như chú ong kia, cứ mải mê, miệt mài hút nhụy, hút mật, đắm mình vào với mật cuộc sống. Mật càng ngọt, càng tinh chất thì đôi cánh ong bay càng miệt mài, vất vả. Cũng như thơ càng cô đọng, hàm súc nao nhiêu thì những nặng nhọc đèo bong của nhà thơ trong sáng tạo nghệ thuật càng kì công, khổ hạnh bấy nhiêu. Không phải ngẫu nhiên Chế Lan Viên lại nhìn thấy hình ảnh các nhà thơ trong chú ong kiến mật chăm chỉ. Phải chăng ong và quá trình làm mật cùng chiếu ứng với nhà thơ và quá trình sáng tác. Nếu đặc tính của con ong là cần mẫn, chăm chỉ thì nhà thơ cũng vậy:

“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật

Mỗi giọt mật thành đôi vạn chuyến ong bay”

Chế Lan Viên đã nêu lên được yêu cầu trong sáng tạo của nhà thơ. Con ong chính là nhà thơ, “hoa” là hiện thực đời sống và “giọt mật” kia là tác phẩm, là bài thơ. Sự tương phản và đồng nhất giữa “trăm hoa” – “một mật” đã cho thấy được sự lâu dài, gian khổ bởi chính thơ là kết tinh của hiện thực đời sống. Những “biến”, “thành”, “đòi” hay là những yêu cầu cấp thiết để nhà thơ có thể thâu lấy hiện thực kia mà thêu mà dệt, mà chiết lấy những gì tinh túy nhất. Với một loạt các không gian “non Đoài”, “xứ Bắc”, “đồng bằng”, “miền Tây”. Những vùng miền ấy đều là những địa danh đẹp và thơ của Tổ quốc. Hay chăng trong thơm ngát của đồng nội xanh rì, cần hút nhụy, hút mật ở những nụ hoa đẹp nhất, thơm nhất và đầy vị ngọt lành nhất. “Ong và mật” hay là người nghệ sĩ với tác phẩm của mình, với mỗi vần thơ mình viết, mình tạo thành, và rung lên điệu hồn của cuộc sống trong ngọt ngào, ý vị và dư ba.

Pau-tốp-xki đã từng nói: “Nhà văn là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp”. Nhà văn ấy, hay nhà thơ ấy phải là người đi tìm những vẻ đẹp trong cuộc đời này để rồi viết lên trang thơ. Nhà thơ chính là người kết lại những ngụy hoa. Những bông hoa sẽ héo khô thôi nếu một ngày kia ong chẳng đến. Cuộc đời sẽ phủ lớp bụi thời gian nếu không có nhà thơ nhọc công tìm kiếm. Một chút nắng qua thềm, một chút gió thổi lá rinh rung, tất cả sẽ rơi và quên lãng nếu trang viết các nhà thơ không khiến nó đẹp vô ngần. Chế Lan Viên khẳng định nhà thơ phải là người gắn bó sâu sắc với thực tế đời sống, đưa đời sống chân thực vào trang thơ. Hay phải chăng cuộc sống chính là nơi nhà thơ cần đắm mình vào để có được cho mình bao mặn mòi của đời sống. Nguyễn Du xưa cũng đã phải gió bụi truân chuyên để làm nên được bao kiệt tác văn chương. Có ý kiến cho rằng Nguyễn Du sẽ không trở thành đại thi hào nếu không có mười năm gió bụi. Phải chăng không có quãng thời gian nhập mình vào đời sống của dân nghèo lam lũ thì sao Nguyễn Du thấu hiểu hết mọi đắng cay, mọi cơ cực của đời sống:

Xem thêm:  Cảm nhận khổ 3 và 4 bài thơ “Viếng lăng Bác” (Viễn Phương)

“Lạnh sơ đã khổ vì không áo,

Chày vải nhà ai chiều nện đưa

(“Đêm thu” – II)

Không thấu nổi cảnh đói rét đó thì sao có một “Sở kiến hành” đầy nhức nhối:

“Một mẹ cùng ba con,

Lê la bên đường nọ

Đứa bé ôm trong lòng

Đứa lớn tay mang giỏ”

Có lẽ người đã nhìn thấy cảnh khổ này trong cảnh khổ của mình. Nguyễn Du đã từng bôn ba mười năm trên đất Bắc, mười năm gió bụi ấy, người đã nếm trải nên khi gặp ba mẹ con đói khổ thì tâm trạng chạm đến tim, tâm khóc và tim nhỏ máu. Mười năm để thấu hiểu cuộc sống đã đem đến những hiểu biết sâu sắc, làm tiền đề cho chân dung nhà đại thi hào dân tộc.

Hồ Xuân Hương – một trong ba nữ kiệt của thơ ca Việt nam, đã có nhiều tác phẩm viết cho những người phụ nữ bình dân. Trong khi: những nhân vật phụ nữ của văn học giai đoạn này, hầu như tất cả đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc. Nhưng có lẽ, vì sống gắn bó với cuộc sống bình dân, hiểu sâu sắc bản chất xã hội nên Xuân Hương trở thành người đầu tiên và duy nhất đưa vào văn học giai đoạn này không phải là cô gái quý tộc, mà đích thực là cô gái bình dân, bình dân từ cốt cánh đến hình hài:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

(“Bánh trôi nước”)

Nhân vật bình dân, hình ảnh bình dân và đến cả ngôn ngữ cũng bình dân nốt. Nếu không có cái vốn văn học, dân gian kia thì sao có một Hồ Xuân Hương “dân gian” đến thế. Không sống, không gắn bó mật thiết thì sao có thể đưa vào thơ vào thơ văn những lời ăn tiếng nói dung dị, những hình ảnh nhân vật bình dị nhất? Những cô gái lực lưỡng, thắt đáy lưng ong, hếm thắm hoa hiên, tóc bỏ đuôi gà, cứ trở về trong trang thơ bà chúa Thơ Nôm như dấu ấn vàng tươi của cuộc sống một thuở!

Lưu Trọng Lư trong “Một vài cảm nghĩ về thơ” đã viết: “Thơ là cuộc sống tập trung cao độ, là cái lõi của cuộc sống. Đã đành là ngồi trong phòng không thể nặn ra thơ được, nhưng vào cuộc song, vơ tất cả một bó đem về, cố nhiên đó cũng chưa phải là thơ. Sự sống phải được ủ thành men và bốc lên trong tâm hồn thi sĩ.” Nhà thơ cần đúc rút và chiêm nghiệm thật nhiều từ cuộc sống. Cần đẩy tâm trạng cảm xúc đến một độ điển hình nào đó thì mới có được thơ. Nhà thơ cần đi đến trăm mảnh đời, thu vào lăng kính người nghệ sĩ vạn cuộc sống để kết tinh, để đúc thành tác phẩm văn chương. Cái tâm sức của nhà thơ là “mỗi giọt mật thành đời vạn chuyến ong bay”. Nhà thơ cần sống sâu sắc với đời sóng mới mong có được những câu thơ sâu sắc. Chế Lan Viên đã từng viết về quá trình sáng tạo của nhà thơ:

“Anh đừng là viên ngọc

Mà là viên sỏi, cục gạch lẫn lộn cùng cỏ rác

Cùng xoàng xĩnh vô danh nhếch nhác

Điệu hát những bà mẹ xanh xao”…

Quá trình sáng tạo của nhà thơ chính là quá trình tim về với chân dung cuộc sống, là cái lắng tai nghe những nhịp đập của cuộc đời. Chẳng thế mà Xuân Diệu đã từng ca ngân:

Xem thêm:  Văn nghị luận là gì?

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá cuẩ cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si…”

Thế Lữ thoát lên trên. Lưu Trọng Lư trốn trong trường tình, Huy Cận trở về nỗi buồn cùng quá khứ, Xuân Diệu là chú ong mật chốn trần gian mê mải. Mê mải quá giữa ngàn thanh âm sắc điệu mời mọc, lả lơi. Xuân Diệu “đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới”.

Đôi khi hiện thực chính là chất men say thôi thúc lòng nghệ sĩ thành thơ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đã gieo vào lòng những người trực tiếp cầm sung, thật sự xông vào nơi bom đạn viết về mình và đồng động. Giữa lúc đó, Phạm Tiến Duật xuất hiện, đem đến cho nền thơ hiện đại Việt Nam một tiếng nói mới.

“Ta đi hôm nay đã không là sớm

Đất nước hành quân mấy chục năm rồi

Ta đến hôm nay cũng không là muộn

Đất nước còn đánh giặc chưa thôi”

Về một phương diện nào đó, có thể nói, chính cuộc đời kháng chiến chống Mỹ và đường Trường Sơn đã sinh ra và nuôi dưỡng thơ Phạm Tiến Duật. Chính Phạm Tiến Duật trong lời tự bạch đã khẳng định: “Nếu không có cuộc sống với những con người đa dạng ồn ào bao quanh với xô bồ chi tiết trôi chảy từng phút, từng giờ, thì hình như tôi không có thơ”. Không khí dữ dội, ác liệt của chiến trường ùa vào những trang thơ nóng bỏng của Phạm Tiến Duật mà sau này những dòng thơ ấy khó trở lại như những nguồn cảm xúc lớn của một thời một đi không trở lại.

Không chỉ ngồi để chờ hiện thực đến với mình, các nhà thơ cần tìm hiện thực, đi để lấy tư liệu cho trang viết:

“Nay cành nhãn non Đoài, mai vườn cam xứ Bắc

Mật ngọt ở đồng bằng mà hút nhụy tận miền Tây”

Trong chuyến đi thực tế tại vùng biển Hạ Long, Huy Cận có “Đoàn thuyền đánh cá”. Nguyễn Thành Long cũng có cho văn chương một “Lặng lẽ Sa Pa”. Khi Chế Lan Viên không có dịp đi lên Tây Bắc nhưng lại có những vần thơ tuyệt hay trong “Tiếng hát con tàu”:

“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”

Trong thơ ca cũng có hiện tượng lạ. Nguyễn Chẩn đi viết hay, Bạch Cư Dị không đi viết lại hay hơn. Bài thơ “Con tàu xay” của Ranban được viết khi tác giả chưa đi biển. Ở đây cũng vậy, lúc làm “Tiếng hát con tàu”, Chế Lan Viên chưa lên Tây Bắc. Phải chăng làm thơ “chính là nói, là viết về cái điều tỏa ra trước thực tế chứ không phải chỉ bằng bản thân thực tế: không có thực tế thì không có cái tỏa ra đó” (Chế Lan Viên). Nhà thơ không những phải gắn quá trình sáng tạo với thực tế mà còn là với trí tưởng tượng càng sâu, càng đượm, càng hay!

Thơ là kết tinh của chủ thể sáng tạo và hiện tượng đời sống, cũng như để có đường mật còn có hai điều kiện: sự cần cù của ong và trăm ngàn bông hoa. Hay để được bài thơ theo nghĩa đích thực thì cần cả tài năng của nhà thơ và hiện thực cuộc sống muôn màu. Viễn Phương cho rằng: “Muốn có thơ hay cần có thơ hay cần có tài năng, lòng nhân ái, cái tâm trong sáng. Ngoài ra cần phải cắm sâu vào cuộc sống và lao động nghệ thuật cần cù…”. Hình ảnh con ong chăm chỉ cần mẫn cũng là hình ảnh lao động nghệ thuật của các nhà thơ. Một bài thơ ra đời là tinh chất của bao chữ, bao nghĩa, bao nhọc nhọc tìm kiếm. Hiện thực đời sống sẽ không nên hương nên sắc nếu nhà thơ lao động sáng tạo bằng chính tài năng và tâm huyết của mình. Có tài năng, có tâm huyết và khổ hạnh “phu chữ” cùng với hiện thực phong phú của đời sống là hai yếu tố làm nên một tác phẩm thơ hay đi vào lòng người đọc.

Quan niệm trên của Chế Lan Viên như một tuyên ngôn nhằm điều chỉnh lại những cách hiểu phiến diện: hoặc là quá đề cao tài năng nhà thơ, hoặc là quá đề cao hiện thực đời sống. Trong lịch sử văn học Việt Nam, đã có sự đối lập một thời giữa hai trường phái: nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Một bên quá đề cao những gì thuộc về hình thức, tài năng, còn một bên quá coi trọng về hiện thực đời sống. Quan niệm trên của Chế Lan Viên đã dung hòa được điều đó. “Ong và mật” của Chế Lan Viên đã thực sự nói được mối quan hệ giữa nhà thơ và hiện thực đời sống, nó sâu sắc được quá trình sáng tạo của nhà thơ.

Xem thêm:  Ôn tập luyện thi văn bản: “Cảnh ngày xuân” (trích truyện Kiều của Nguyễn Du) – Luyện thi tuyển sinh 10

Lời nhận định của Chế Lan Viên đã mở ra hình ảnh công việc “hút mật” của người làm thơ. Mỗi nhà thơ là một chú ong chăm chỉ bay đến mọi vườn hoa trên khắp thế gian này, để mà hút nhụy, để mà làm hương, để nụ hoa này nối tiếp bông hoa kia, khoe sắc hương rực rỡ. Trăm đường ong bay rồi cũng tìm về với hoa, nhà thơ rồi cũng tìm về để sống, rồi ngụp lặn trong làn sữa mát của cuộc đời. Ý kiến của Chế Lan Viên khẳng định công việc đầy cao cả của mỗi nhà thơ: phát hiện ra trăm hoa trong vườn, rông rinh và tôn cao vẻ đẹp ấy lên cho vẻ đẹp ấy rực rỡ và tỏa sáng. Một chú ong mạt hay một nhà thơ đều yêu biết mấy cuộc sống yêu kiều này:

“Bài thơ anh làm một nửa mà thôi

Còn một nửa cho mùa thu làm nấy

Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá

Nó không là anh nhưng nó là mùa”

(Chế Lan Viên)

Bài thơ là kết tinh tuyệt diệu giữa “mùa” và ”anh”, giữa hiện thực và vai trò của cảm hứng sáng tạo và trí tưởng tượng. Nhà thơ còn phải là người nâng được tâm hồn mình lên đến bậc nhất của những cung điệu trong một trí tưởng tượng khôn cùng. Bài thơ được chấm mực cuộc đời để viết nên bằng trải nghiệm của cả một đời thơ. Nhưng cảm hứng phải được bắt đầu từ hiện thực cuộc sống. Tâm hồn nhà thơ cần được rộng mở để đón gió bốn phương:

“Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp

Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?

Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng thép

Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”

Mở rộng để đón mọi vang động của trần gian đập vào trái tim, thương cảm để mà đồng cảm. Nhận định của Chế Lan Viên không chỉ đúng với các nhà thơ mà còn rộng ra là cả với nhà văn, cả những người nghệ sĩ. Nghệ thuật là “để cho cái đẹp của trái đất, lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, niềm vui và tự do, cái cao rộng của tâm hồn người và sức mạnh của tri thức chiến thắng bóng tối như một mặt trời không bao giờ tắt” (C. Pauxtopxki). Chức năng của văn nghệ là nâng con người lên. Thơ ca chính là cách con người vượt lên chính mình (Ý của Bết-sơ). “Ong và mật” không chỉ là nhà thơ và tác phẩm thơ mà còn là nhà văn, nghệ sĩ với tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật ngôn từ. Cần tinh triết đến cô đọng, đến hàm súc để mỗi giọt mật là mỗi bụi quý mà người nghệ sĩ cóp nhặt, đãi cát tìm vàng để tạo nên cho đời này một “bông hồng vàng” vô giá của nghệ thuật. Những “bông hồng vàng” do muôn triệu con ong miệt mài hút ngụy làm hương cho đời!

Thơ ca, nghệ thuật là bao tế vi của cuộc sống góp tạo nên. Sự vi diệu của cuộc sống đã góp phần tạo nên vẻ đẹp vĩnh cửu của văn chương. Chế Lan Viên đã thay mặt cho bao nhiêu nghệ sĩ khác nói lên mối quan hệ giữa nhà thơ và đời sống, mà rộng ra là giữa nhà văn và tác phẩm nghệ thuật cùng quá trình sáng tạo đầy khổ nhọc và gian lao. Con ong kia cứ miệt mài đưa sắc cho đời, không như lũ bướm kia chỉ đem lại bao “sao ngữ”. Nghệ thuật được lên hương lên sắc, dậy ý dậy tình trong sâu thẳm mỗi tâm hồn con người. Cái đèo bòng vất vả ấy của nghệ sĩ khiến ta trân trọng thêm mỗi tác phẩm của họ, trân trọng thêm mỗi con đường đến với nghệ thuật chân chính. Yêu cuộc sống này bao nhiêu lại yêu bài ca về cuộc sống bấy nhiêu. Sâu sắc với mỗi tác phẩm bao nhiêu, lại để biết rằng: trăm đường ong bay mở ra trăm vùng núi non sông và đôi lần thấy cuộc sống đáng để chờ đợi biết bao!

Theo Taplamvan.edu.vn