Hai đứa trẻ

Trưa. Trời oi bức. Sân ga đông nghịt người. Lọt trong một góc, tôi an phận ngồi chờ chuyên tàu Vinh. Nôn nóng cũng chẳng ích gì. Đợi tàu mà! Có người đàn ông dắt bé trai từ xa đi lại. Nom chú bé thật kháu khỉnh dễ thương. Hình như nó được đón từ trường về. Cái cặp sách Liên Xô to tướng quàng sau vai. Chú bé chạy tới bà cụ ngồi sau tôi. Thì ra, hai bố con đi đưa tiễn bà nội về quê. Ông bố để con đấy hấp tấp chạy tới phòng vé. Cậu bé thì bi bô với bà. Tôi như vui lây với câu chuyện chú bé đang huyên thuyên kể. Bàn tay bụ bẫm vung vẩy làm điệu bộ chú chó sói hung dữ đang đe dọa chú cừu non…

– Nó học lớp hai rồi đấy, vừa đi thi kể chuyện về.

Bà cụ tự hào nói với tôi và nhìn chú bé tràn ngập yêu thương. Bà thưởng cho chú bé túi kẹo Thái sặc sỡ. Chú bé lấy kẹo mời bà, mời tôi rồi mới ăn. Ngoan thật! Ăn chán,- chú bé vòi uống nước. Tôi ngoắt vội thằng bé bán nước đang rao lanh lảnh từ xa “Ai nước chè đây…”. Thằng bé nhanh nhẹn chạy tới. Nó rút vội cái li đeo toòng teng trước ngực cúi rót li nước vàng tươi trao cho chú bé.

Hai mái đầu cúi chụm vào nhau. Một khoảnh khắc chùng xuống, cổ họng tôi như nghèn nghẹn. Một sự tương phản đến lạ kì xót xa. Hai đứa trẻ – hai mảnh đời, hai thái cực. Bỗng chú bé vội xòe nắm kẹo ngập ngừng:

Xem thêm:  Phân tích hai khổ thơ cuối bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận

– Ăn đi… bạn

Sung sướng thằng bé bán nước ngồi bệt xuống bóc kẹo ăn. Chú bé thì tò mò thích thú xách ấm nước của thằng bạn mới quen. Chú đi tới đi lui bắt chước có vẻ khoái chí lắm làm tôi bật cười. Hèn chi được đi thi kể chuyện! 

hai dua tre - Hai đứa trẻ

Hai đứa trẻ – hai số phận đối lập nhau

Thằng bé vừa nhai kẹo vừa nhìn chú bé ngưỡng mộ. Chợt mắt nó sáng lên. Ô! Chiếc cặp mới toanh đẹp làm sao! Nó xích gần tới. Nhè nhẹ đặt tay vuốt ve. Hình hai chú thỏ nắm tay nhau đi học, chiếc nút khóa mạ kền sáng loáng làm nó mê mẩn cả người. Thằng bé xách lên ướm thử. Chà nặng quá! Chắc ở trong lắm sách vở, bút màu bút mực. Những thứ mà nó chỉ ước trong mơ, Tần ngần nó ấn tay vào nút khóa. Nó muốn xem biết bao! Bỗng một cái “bốp” làm thân hình gầy nhom của nó chao đảo suýt ngã. Hồi tiếng quát lớn:

– Mày tính ăn cắp hay sao nhóc con. Cút cái lũ chúng mày.

Ông bố vừa mua vé về. Ông giận dữ nhìn theo thằng bé bán nước đang chạy ra xa.

Nó quên cả bộ đồ nghề cơm áo của mình. Ông cằn nhằn bà mẹ:

– Mẹ phải canh chừng đấy. Con nít nó ăn cắp như rươi đấy. 

Bà cụ chưa kịp phân bua. Chú bé nãy giờ hoảng sợ nhìn bố bỗng mếu máo:

Xem thêm:  Giáo án Ngữ văn 11 soạn theo chủ đề : Lí luận văn học

– Bố ơi, vậy con cũng… cũng ăn cắp cái ấm nước này bố ạ!

LÊ TRỌNG HIẾU

Lớp 7E – THCS Trưng Nhị – Hai Bà Trưng – Hà Nội