Nghị luận văn học là gì?

Nghị luận văn học là gì?

Hướng dẫn

Nghị luận văn học là gì?

“Nghị luận là một thể loại văn học đặc biệt, dùng lí lẽ, phán đoán, chứng cứ để bàn luận về một vấn đề nào đó (chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật, triết học, đạo đức). Vấn đề được nêu ra như một câu hỏi cần giải đáp, làm sáng tỏ. Luận là bàn về đúng, sai, phải, trái, khẳng định điều này, bác bỏ điều kia, để người ta nhận ra chân lí, đồng tình với mình, chia sẻ quan điểm và niềm tin của mình. Sức mạnh của văn nghị luận là ở sự sâu sắc của tư tưởng, tình cảm, tính mạch lạc, chặt chẽ của suy nghĩ và trình bày, sự thuyết phục của lập luận. Vận dụng các thao tác như giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh…” (Sách giáo khoa Ngữ Văn 11, tập 2).

Như vậy, nghị luận là bàn bạc đánh giá một vấn đề. Văn nghị luận là dạng bài văn người viết bàn bạc, trao đổi ý kiến, trình bày quan điểm, thái độ của mình về một vấn đề nhằm thuyết phục người đọc, người nghe chấp nhận, đồng tình với quan điểm của mình. Để thực hiện điều này, người viết phải vận dụng hợp lí, nhuần nhuyễn các thao tác lập luận như giải thích, chứng minh, lập luận, bác bỏ, so sánh… Văn nghị luận có tính khoa học, đòi hỏi khả năng phân tích, tổng hợp bên cạnh khả năng diễn đạt, cảm thụ. Nhìn từ đề tài, đối tượng nghị luận, có thể chia văn nghị luận thành hai loại lớn: nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Xem thêm:  Bình luận ý kiến của Nhạc sĩ S. Gunô có nói: Hồi tôi 20 tuổi, tôi chỉ thừa nhận riêng tôi có tài

Trong đó, nghị luận văn học là những bài văn về các vấn đề văn chương – nghệ thuật. Đây là dạng đề phổ biến và cơ bản trong chương trình Ngữ Văn THPT. Đối tượng của dạng bài này là một vấn đề văn học hoặc lí luận văn học. Đó có thể là một nhân vật văn học, giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật của tác phẩm; đặc điểm nổi bật của một khuynh hướng, trào lưu, giai đoạn văn học; cũng có thể là một vấn đề lí luận về nhà văn, quá trình sáng tác, phong cách tác giả, tiếp nhận văn học…

Theo Taplamvan.edu.vn