Nghị luận xã hội về môn lịch sử

Đề bài: Không ít bạn trẻ hiện nay trong khi rành rẽ lịch sử các nước lại khá mù mờ về lịch sử nước nhà. Còn trong nhà trường, nhiều học sinh không mấy mặn mà với việc học Sử và ở các kì thi, điểm số môn học này lại thấp.

Là thanh niên, anh (chị) có suy nghĩ gì vể hiện tượng này?

Gợi ý

– Vai trò của Lịch sử đối với dân tộc?

“Lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được”.

– Thực trạng về việc học sử trong nhà trường?

– Nguyên nhân của hiện tượng trên?

+ Sách giáo khoa lịch sử?

+ Chất lượng các công trình nghiên cứu lịch sử?

– Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn sử?

“Chỉ khi chúng ta suy ngẫm và hiểu ra được những gì đã hun đúc nên văn hoá Việt Nam, hình thành cốt cách con người Việt Nam, chúng ta mới hiểu rõ bộ môn khoa học lịch sử giữ một vị trí quyết định như thể nào trong nền văn hoá ấy”.

– Thái độ và trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam đối với lịch sử dân tộc ra sao?

“Dòng chảy lịch sử là bất tận, nó tạo nên sức mạnh bất diệt của một dân tộc. Thế hệ trẻ Việt Nam phải được hiểu kĩ về dòng chảy bất tận đó, phải được tắm mình vào trong dòng chảy bất tận đó để tư hào về ông cha mình đă bao đời kiên cường, bất khuất dựng nước và giữ nước để trao lại cho thế hệ hôm nay giữ gìn và phát triền”.

Bài làm

“Lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được”, phải chăng vì thế mà “Hội thảo thực trạng dạy và học lịch sử…” vừa rồi đã thu hút sự chú ý của dư luận. Ngày 28/3/2008 hàng loạt tờ báo đưa tin về dự thảo này, báo động về điểm thi môn lịch sử.

Thực ra thì tiếng chuông cảnh báo không phải chỉ mới có hôm nay mà đã gióng lên từ rất lâu, song như một diễn giả đã phát biểu, nó đã rơi vào sự “im lặng đáng sợ” và “tất cả đều rơi vào quên lãng để đến hôm nay lại trở về điểm xuất phát”. Điểm xuất phát ấy, thật ra, đã được đặt ra từ mấy thập kỉ qua, đặc biệt là từ khi “Đổi mới”, đổi mới tư duy, trong đó có tư duy về lịch sử. Chuyện học sinh chán học sử cũng đã được nêu lên từ lâu, thể hiện rõ trong điểm thi môn này. Gần đây nhất, năm 2006 trong 4622 thí sinh thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội, 655 thí sinh bị điểm “không” môn sử (chiếm 15%) và chỉ có 6 thí sinh đạt điểm 8 trở lên. Nếu tính gộp cả bốn trường đại học, trong đó có ba là sư phạm, nghĩa là trường đào tạo ra những người thầv dạy lịch sử, thì 58,5% thí sinh có điểm lịch sử từ 1 trở xuống. Thế rồi, năm 2007, có 150.234 thí sinh bị điểm từ 0 đến 4,5 điểm, chiếm tì lệ tới 95,74% tổng số thí sinh khối C, số bị điểm 0 gần 6000! 

Xem thêm:  phân tích đoạn trích sau đây trong bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu

Đã có nhiều phân tích sâu sắc trong hội thảo mà các báo đã đưa, trong đó, sự phê phán tập trung vào Bộ GD-ĐT. Chuyện ấy không oán tí nào. Song, nếu chỉ đổ hoàn toàn cho Bộ GD-ĐT thì liệu có thể giả quyết tận gốc vấn đề học sinh không thích học môn lịch sử không? Sách giáo khoa lịch sử có nhiều vấn đề, điều ấy Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm, thế còn những công trình nghiên cứu lịch sử chất lượng kém thì do ai chịu trách nhiệm? Chất lượng của công trình nghiên cứu lịch sử đã được xuất bản là điểm tựa để đảm bảo tính chính xác khoa học của sách giáo khoa lịch sử. Khi chất lượng ấy có vấn đề thì trách nhiệm thuộc về ai? Ai chỉ đạo xây dựng những công trình đó, trình độ khoa học và bản lĩnh của nhà sử học có ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình lịch sử nước nhà hay không?

Chỉ xin nêu một vấn đề về tính trung thực lịch sử của những công trình nghiên cứu lịch sử đã được xuất bản và là điểm tựa của việc hình thành những sách giáo khoa sử. Một khi mà tính trung thực lịch sử của một số công trình đã đến với đông đảo công chúng chưa cao, điều mà phần lớn những nhà sử học có nhân cách đều biết, song cho đến nay, dường như vấn đề này vẫn chưa được đặt ra một cách sòng phẳng, nghiêm túc và minh bạch. Liệu rồi điều này có rơi vào “sự im lặng đáng sợ” hay không, vì xét cho kĩ, vấn đề nói trên với thực trạng dạy sử và học sử không thể tách rời nhau. Đương nhiên trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, tính chân lí lịch sử sẽ phải được công bố như thế nào còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, song dù chưa công bố thì rồi tính chính xác khoa học của lịch sử sớm muộn gì cũng phải thể hiện ra. Vì vậy cùng với việc nâng cao chất lượng sách giáo khoa lịch sử, nâng cao trình độ dạy sử của người thầy và ý thức đối với việc học sử của học trò nhằm bồi dưỡng tình cảm yêu nước và tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ, phải đặt ra vấn đề chất lượng khoa học của các công trình nghiên cứu lịch sử mà ở đó, tính trung thực của tác giả công trình nhằm làm sáng tỏ chân lí lịch sử là điều có ý nghĩa rất quyết định, Ở đây, trình độ chuyên sâu và bản lĩnh của nhà sử học là điều mà xã hội trông chờ.

Xem thêm:  Em hãy nêu suy nghĩ của mình về bệnh vô cảm rất hay

Phải chăng, không thể đặt bộ môn lịch sử riêng rẽ trong hệ thống kiến thức khoa học mà thế hệ trẻ cần được giáo dục, và hệ thống ấy nằm trong nền văn hoá dân tộc. Chỉ khi chúng ta suy ngẫm và hiểu ra được những gì đã hun đúc nên văn hoá Việt Nam, hình thành cốt cách con người Việt Nam, chúng ta mới hiểu rõ bộ môn khoa học lịch sử giữ một vị trí quyết định như thế nào trong nền văn hoá ấy. Bởi lẽ, văn hoá không phải là một hệ thống đóng kín những giá trị loại biệt mà là một tổng hợp đang phát triển của các thành tựu vật chất và tinh thần của một dân tộc. Văn hoá là một cấu trúc có bề sâu. Cuộc sống xã hội được phản chiếu ở bề mặt. Dưới bề mặt đó, văn hoá được phân chia theo những tầng khác nhau, thường tiềm ẩn và vô thức. Ở độ sâu này, ta thấy có một sự sắp xếp của các quy tắc văn hoá điều chỉnh bề mặt ở bên trên. Nói đến “sức mạnh văn hoá”, chính là nói đến sự tiềm ẩn và vô thức này nằm chìm trong đời sống của dân tộc. Chính cái đó làm nên ý thức dân tộc, tạo ra sức mạnh Việt Nam, ý thức và sức mạnh làm cho đất nước này, dân tộc này tồn tại và phát triển. Và, lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được. Không có ý thức đó thì không thể có một nền văn hoá dân tộc và cũng chẳng thể nào xây dựng được một xã hội Việt Nam hiện đại và văn minh. 

Xem thêm:  Nghị luận: vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp của học sinh hiện nay

Dòng chảy lịch sử là bất tận, nó tạo nên sức mạnh bất diệt của một dân tộc. Thế hệ trẻ Việt Nam phải được hiểu kĩ về dòng chảy bất tận đó, phải được tắm mình vào trong dòng chảy bất tận đó để tự hào về ông cha mình đã bao đời kiên cường, bất khuất dựng nước và giữ nước để trao lại cho thế hệ hôm nay giữ gìn và phát triển. Không có niềm tự hào về dân tộc, tự hào về nền văn hoá dân tộc sẽ không thể vững tin mà đến với thế giới. Ớ giai đoạn quá trình phát triển và hội nhập đi vào chiều sâu, càng phải nâng cao sự hiểu biết của thế hệ trẻ về lịch sử, hiểu rõ về ông cha mình, thấy ra được chỗ mạnh và chỗ yếu của dân tộc mình.

Trên ý nghĩa đó, việc dạy và học lịch sử, những công trình khoa học lịch sử chất lượng cao có tác động lớn đến việc đào tạo con người, con người Việt Nam hôm nay đang phải đối diện với những thách thức chưa từng có.

Quả thật, “môn lịch sử giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc”, như thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi hội thảo nói trên.

Tương Lai

(Trích bài Từ điểm thi môn lịch sử, báo Thanh Niên

Ngày 29/3/2008)