Nguyễn Trãi có tình yêu thiên nhiên sâu sắc

Đề bài: Qua một số bài thơ của Nguyễn Trãi mà em được học, hãy chứng minh nhà thơ có tình yêu thiên nhiên sâu sắc.

Muốn hiểu Nguyễn Trãi, nếu như ta chỉ đọc “Bình ngô đại cáo”, “Thư dụ Vương Thông lần nữa”, “Hạ quy Lam Sơn”… thì dường như ta chỉ thấy được tác giả là một bậc quân sư, một nhà chính trị kiệt xuất trên vũ đài chính trị; còn để có cái nhìn toàn diện hơn về vị anh hùng, có lẽ phải đặt con người ấy trong chính nhịp đập của cuộc sống đời thường, trong những tứ thơ viết về thiên nhiên với muôn hình muôn vẻ của ông… ở thể loại này, thơ ông mới thực sự đúng với con người thật của vị quân sư họ Nguyễn.

Có thể nói thơ viết về thiên nhiên của các nhà thơ xưa bao giờ cùng có cả cảnh lẫn tình. Nhưng tình và cảnh trong thơ Nguyễn Trãi nếu ta chỉ biết áp đặt vào cái công thức “vịnh cảnh ngụ tình” một cách máy móc thì có lẽ thơ ông đã bị cuốn phăng theo dòng thời gian cùng với vô số tác phẩm của các nhà thơ thời ấy từ mấy trăm năm trước rồi. Cái đáng nói, đáng quý ở đây là tuy nằm trong hệ thống văn chương qui phạm nhưng Nguyễn Trãi phần nào thoát khỏi quỹ đạo của nó bằng chính cái tình của mình. Cái tình ấy đạt đến cái thật, cái thiết tha trong sáng đến nỗi một khi đọc thơ ông, ta khó lòng quên được. Nhưng đó là cái tình như thế nào, nguyên nhân nào đã buộc thơ ông neo lại với lòng người suốt sáu trăm năm? Phải chăng đó là tư tưởng nhân nghĩa gắn liền một khối với lòng yêu nước, thương dân tha thiết, sâu đậm bên cạnh cái chất phong tình, đa cảm sẵn có trong con người Ức Trai?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần nói về Nguyễn Trãi: “Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước thương dân…”, cho nên, khảo sát về thiên nhiên trong thơ ông, thiết nghĩ, ta chỉ nên tìm hiểu cái chất phong tình và lòng yêu nước thương dân của tác giả lồng vào nhau, là một mà thôi.

Xem thêm:  Qua bài “Cô Tô”, em có những cảm nghĩa gì về thiên nhiên đất nước ta?

“Cảnh ngụ trong tình” – nếu tình là lòng yêu nước thương dân thì có lẽ cái tình ấy chỉ thực sự được nắm bắt khi đã thông qua cảnh.

Cảnh thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi, trước hết, cần nói rằng chính là cảnh được nhìn dưới đôi mắt của một nhà nghệ sĩ. Con người nghệ sĩ ấy đã mở rộng tâm hồn để đón nhận thiên nhiên, thâm nhập vào thiên nhiên và hòa mình trong thiên nhiên bằng trái tim hết sức nhạy cảm, đa tình và bằng cái chất phong tình sẵn có cho nên cảnh của ông luôn độc đáo, đặc sắc và khác người cũng là một điều rất dễ hiểu. Nó trở thành cảnh của riêng ông, của riêng Nguyễn Trãi.

Không có cái chất phong tình, không có một đôi mắt của một nhà nghệ sĩ thì làm gì họ Nguyễn có được một cảm nhận rất kì lạ, rất độc đáo:

“Bóng tháp hình trâm ngọc 

Gương soi ánh tóc huyền”. 

khi ông chiêm ngưỡng núi Dục Thúy? Rõ ràng, Nguyễn Trãi thật sự là một nhà nghệ sĩ và là một nghệ sĩ lớn bởi cũng bao lần đến Dục Thúy sơn, cũng bao lượt ngắm nhìn nhưng có thể nói không ai và có lẽ chưa có ai để trái tim mình non tơ lại như Nguyễn, để tâm hồn mình trẻ lại mà trở thành một chàng trai say đắm trước vẻ đẹp của một mỹ nhân — một cô gái với mái tóc đen huyền xõa dài, lấp lánh chiếc trâm vàng trên đỉnh đầu. Nối cách khác, dó chính là vẻ đẹp, là Dục Thúy sơn của riêng Nguyễn Trãi.

Đặc biệt, cũng với cái chất văn ấy, cũng hướng tới mối quan hệ tình yêu trai gái hết sức trong sáng, Ức Trai đã nhìn cây chuối và ghi nhận:

“Tình thư một bức phong còn kín 

Gió nơi đâu, gượng mở xem”.

Từ cái nõn chuối e ấp, non tơ, cuộn tròn, con người đa cảm ấy lại thấy đó là một bức thư tình. Mà cũng thực lạ, nõn lá ấy lại được nhìn thấy trên một cây chuối đã trổ buồng: “Đầy buồng lạ màu thâu đêm”.

Phải chăng chính cái phi lí ấy đã tạo nên một giá trị độc đáo, hiếm có cho bài thơ? Từ một cây chuối đã trổ buồng mà nhìn thấy một cái nõn lá đã là tài tình nhưng từ cái nõn lá kia mà nhìn ra một bức thư mà lại cứ thư tình thì thử hỏi chất phong tình của tác giả nó lai láng đến mức nào?

Xem thêm:  Văn nghị luận về xấu hổ

Xuân Diệu có lần đã nói đùa: “Với cây chuối, Nguyễn Trãi xứng đáng được kết nạp là một Đoàn viên Thanh niên đầu tiên của nước Việt Nam” và ta có thể nói thêm: đó cũng là Cây chuối – là một tạo vật tồn tại, là một thanh niên của riêng Nguyễn Trãi mà thôi.

Thông thường mà nói thì lòng yêu nước thường bắt nguồn từ lòng yêu thương thiên nhiên với những sự vật nhỏ nhặt, ngờ như không đâu của chính quê hương đất nước mình. Lòng yêu nước, yêu thương con người của Nguyễn Trãi cùng bắt nguồn từ những tình cảm như vậy. Đó là đặc điểm đáng quí, đáng trân trọng trong thơ thiên nhiên của ông. Ồng đã thấy, đã yêu dậu mồng tơi, hàng dâm bụt đến cả cây mía, cây chuối – những sự vật thuần túy Việt Nam, cho nên có thể nói tâm hồn ông, con người ông cũng là một con người – một tâm hồn thuần túy Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, bài thơ “Cây chuối” cái hay nằm ở hai câu cuối:

“Tình thư một bức phong còn kín 

Gió nơi đâu, gượng mở xem”.

Bởi nó là một cảm xúc độc đáo, một phát hiện rất mới mẻ ở sự vật nhưng theo tôi thì cái hay của bài thơ lại năm ngay đầu đề của nó. “Cây chuối” — tuy nó gần gũi, nó quen thuộc đó nhưng nếu không nhìn được nó, không yêu nó thì Ức Trai làm gì có cái nhìn độc đáo, mới lạ kia? Nhưng để nhìn ra cây chuối mà thấy cái đẹp của nó thì nhất thiết Nguyễn Trải phải gắn bó, phải yêu quê hương, đất nước ông với một tình yêu mãnh liệt, sâu đậm lắm. Cho nên, con người ấy đâu cần sử dụng cái công thức rập khuôn “sông, tuyết, hoa” của tận đất nước Trung Hoa như phần lớn các nhà thơ lúc bấy giờ. Ông đã đứng trên đất nước mình bằng đôi chân của mình, tìm thấy cái đẹp ngay trên quê hương của mình và từ đó trở thành một danh nhân của nhân loại. Chính lòng yêu nước buộc ông phải phá rào văn chương qui phạm và cũng chính lòng yêu nước đã nâng con người ấy lên tầm cỡ nhân loại.

Xem thêm:  Hãy phân tích bài ca dao

Có thể nói phần lớn các bài thơ viết về thiên nhiên đều được sáng tác trong thời gian Nguyễn Trãi ở ẩn, cho nên cảnh trong thơ ông thường buổn là một điều dễ hiểu. Nhưng cái đáng nói là dù cảnh có vui, buồn đến đâu nhưng con người thoáng hiện trong nó vẫn luôn hướng tới cái vui, luôn hướng tới một ngày mai tươi đẹp. Nói đúng hơn vẫn có cái đau đáu, bộn bề tâm sự của một con người mong muốn trở lại với cuộc đời mà cống hiến cho dân, cho nước. Có lẽ vì vậy mà trong cái muộn màng của những ngày cuối xuân, Nguyễn Trãi vẫn thấy:

“Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan”.

Hoa xoan “nở” phải chăng đó là một tấm lòng đang hoài vọng, đang ngóng trông, tha thiết được giúp đời, giúp nước. Cũng thế, trong cái “rồi* suốt một “ngày trường” ông lại nghe thấy:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ”.

Con người ấy quay lưng với cuộc đời nhưng lại luôn hướng về cuộc đời đối với tất cả mọi tình cảm, giác quan, vẫn luôn ước mơ và thật sự mãn nguyện.

"Dân giàu đủ khắp đòi phương”.

Đó chính là điểm tích cực của ông so với các nhà thơ khi phải rơi vào xu hướng bất mãn thời thế cùng thời. Chung qui, lòng yêu thiên nhiên của Nguyễn Trãi chính là lòng yêu nước, yêu nhân nghĩa. Trong những vần thơ viết về thiên nhiên của ông ta bắt gặp trọn vẹn con người của Ức Trai, càng hiểu hết cái tâm sự: “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông”… của một con người suốt đời lo cho dân, cho nước và càng tự hào về một vị anh hùng dân tộc suốt đời với lí tưởng vì nước, vì dân

Thu Huyền