Những đặc điểm về truyện cổ tích Việt Nam

Đề bài: Hãy tìm hiểu những đặc điểm về truyện cổ tích Việt Nam.

Truyện cổ tích là loại truyện truyền miệng dân gian, có nguồn gốc xa xưa nhưng chủ yếu ra đời trong xã hội có áp bức, bóc lột. Đó là những câu chuyện tưởng tượng xoay quanh những nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh và nhân vật bất hạnh… Tuỳ theo đặc điểm nội dung và nghệ thuật, truyện cổ tích có thể được chia thành các loại truyện chính: truyện cổ tích về loài vật, truyện cổ tích thần kì và truyện cổ tích thế tục.

Trước hết, truyện cổ tích về loài vật thường có nội dung giải thích nguồn gốc của những đặc điểm riêng của từng con vật. Chẳng hạn tại sao con trâu có cái nốt ở cổ, tại sao con quạ có lông đen, con lươn cứ rúc trong bùn. Ngoài ra, một nhóm truyện khác tập trung kể về một con thú khôn ranh. Chẳng hạn các truyện về con thỏ khôn ranh thường dùng mẹo lừa để thắng cuộc hoặc để trốn thoát nanh vuôt của các con thú hung bạo và khoẻ hơn nó. Trí thông minh của thỏ là một loại vũ khí quan trọng của kẻ yếu trong cuộc cạnh tranh sinh tồn với các lực lượng hung bạo hơn.

Loại truyện cổ tích thứ hai là loại truyện cổ tích thần kì kể lại những sự kiện xảy ra trong đời sống gia đình và xá hội. Truyện cổ tích thần kì không chí có thể giới trần tục của con người mà còn có cả những thế giới có tính chất siêu nhiên như thượng giới, thuỷ cung, âm phủ, các hang động sâu thẳm, các khu rừng âm u, nơi ở của các con quái vật, yêu tinh, của những mụ phù thuỷ. Con người có thể xâm nhập vào thế giới siêu nhiên ấy; ngược lại những ông bụt, bà tiên, những yêu tinh, phù thuỷ lại cũng có thể xâm nhập vào thế giới trần tục của con người. Như vậy, trong truyện cổ tích thần kì, thế giới trần tục và thế giới siêu nhiên, nhân vật trần tục và nhân vật siêu nhiên quan hệ qua lại với nhau, tạo thành một thế giới cổ tích huyền bí, thơ mộng và đôi khi thật diễm ảo.

Xem thêm:  Cảm nhận về bài thơ Thương Vợ của nhà thơ Trần Tế Xương rất hay

truyen co tich 1 - Những đặc điểm về truyện cổ tích Việt Nam

Truyện cổ tích là những giấc mơ đẹp, những khát vọng tự do, hạnh phúc và công bằng xã hội

Loại truyện cổ tích thần kì có những nhân vật tài giỏi, khả năng đặc biệt, đôi khi phi thường và mang tính chất siêu nhiên. Sư Không Lộ có một cây gậy sắt trăm người xúm lại cũng không khiêng nổi. Cẩu Khây (truyện của người Tày), gặp trâu bò sụp hố, sa lầy có thể kéo lên và vác qua cánh đồng lầy một cách dễ dàng. Nội dung phần lớn các truyện kể lại những cuộc phiêu lưu li kì của nhân vật. Chàng Ná (truyện của người Hơ Rê) đi tìm cứu công chúa bị quái vật bắt giam. Thạch Sanh diệt chằn tinh cứu công chúa, và con vua Thuỷ Tề… Kể lại những chiến công của các nhân vật tài giỏi trong các cuộc phiêu lưu li kì ấy, truyện cổ tích thần kì đã khơi dậy trong lòng ta niềm vui thích trẻ thơ trước tinh thần dũng cảm diệt trừ cái ác, bảo vệ cuộc sống yên lành cho mọi người.

Loại truyện cổ tích thần kì có những nhân vật bất hạnh nêu ra những số phận bất hạnh, đôi khi bỉ thảm của những con người thấp cổ bé miệng. Đó là những kẻ mồ côi, bơ vơ không nơi nương tựa, bị hất ra lề đường kiểu Thạch Sanh mình trần khố có một manh nơi gốc cây đa. Đó là những người con riêng hiền lành bị dì ghẻ và đứa em cùng cha khác mẹ ngược đãi, hành hạ đến chết đi sống lại nhiều lần mà vẫn chưa hết khổ kiểu cô Tấm. Đó là những người em út bị người anh tham lam chiếm đoạt gia tài do cha mẹ để lại như người em trong truyện Cây khế. Có khi đó là ngưởi nghèo khổ suốt đời làm thân trâu ngựa, bị bọn nhà giàu bóc lột kiểu anh trai cày trong truyện Chàng gù, ghẻ lở đầy người như truyện Chàng ghẻ, có thân hình dị dạng như truyện Sọ Dừa, hoặc người đội lốt vật trong các chuyện Lấy chồng dê, Lấy vợ cóc, … Các nhân vật có hình dạng xấu xí như vậy thường xuất thân từ nhưng gia đình nghèo hèn, bị mọi người khinh rẻ, hắt hủi. Các nhân vật bất hạnh trên đây thường được miêu tả là những con người hiền lành, thật thà, tốt bụng, có tài năng. Bị hắt hủi, ngược đãi, họ thường chỉ cam lòng chịu đựng, gợi lòng thương cảm xót xa của ta.

Loại truyện cổ tích thứ ba là truyện cổ tích thế tục: chỉ kể về những con người và sự việc xảy ra trong thế giới trần tục với hai nhân vật chính là nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch.

Truyện về nhân vật thông minh thường ca ngợi sự nhanh trí, cách xử lí tài tình của các nhân vật này trong những tình huống phức tạp. Chẳng hạn phải trả lời một câu hỏi khó: Trâu của lão cày một ngày được mấy đường? Làm việc khó (xỏ được một sợi chỉ mảnh qua một vỏ ốc vặn dài, rỗng hai đầu); xử một vụ án khó (hai người đàn bà vu cho nhau ăn cắp vải của nhau mà không có chứng cớ). Đặc biệt nhân vật thông minh hay dùng đến mẹo lừa: Truyện Thằng Cuội, truyện Trạng Quỳnh. Loại truyện này nhằm ca ngợi trí thông minh của người bình dân.

Nhân vật ngốc nghếch cũng tạo nên một nhóm truyện riêng. Có loại nhân vật ngốc thực sự. Những hành vi ngốc nghếch này chủ yếu là do thực hiện lời khuyên của người khác một cách máy móc, không hề nhận thức được hoàn cảnh thực tế, nên tất yếu đưa đến thất bại: truyện Làm theo vợ dặn. Đôi khi do ngẫu nhiên mà những hành vi của nhân vật ngốc lại hợp với hoàn cảnh, do đó lại có hiệu quả: truyện Trạng Lợn. Những truyện Ngốc gặp may, Nói khoác gặp thời như vậy gợi lên những suy nghĩ về cách đánh giá thực tài của con người.

Bên cạnh nhân vật ngốc thực sự còn có nhân vật giả ngốc, ví dụ như nhân vật trong truyện Làm cho công chúa nói. Nhân vật giả ngốc còn xuất hiện trong nhiều truyện cười dân gian: Đầy tớ lù khù. Đây cũng là một dạng của nhân vật thông minh trong truyện dân gian. Như vậy, truyện cổ tích về nhân vật ngốc nghếch là những bài học vui, đã kích nhẹ nhàng về sự thất bại của những người chỉ biết suy nghĩ và hành động một cách máy móc, cứng nhắc trong khi cuộc sống thì vô cùng phong phú đa dạng.

Xem thêm:  Bình giảng bốn câu kết trong Tràng giang của Huy Cận

Về nội dung, truyện cổ tích nêu cao khát vọng tự do, hạnh phúc và công bằng xã hội. Tuy phần nhiều truyện cổ tích thần kì và thế tục cũng như trong một số truyện cổ tích và loài vật, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác rất quyết liệt, nhưng cuối cùng, cái thiện luôn luôn chiến thắng. Cô Tấm mò cua bắt tép cuối cùng trở thành hoàng hậu. Anh Thạch Sanh kiếm củi, kết thúc là một vị hoàng đế. Chàng Sọ Dừa dị dạng cuối cùng trở thành phò mã. Còn những kẻ tham lam, nham hiểm, tàn ác nhất thời có thể hưởng vinh hoa phú quý nhưng rốt cuộc sẽ bị trừng phạt. Những tiên, bụt có xuất hiện không phải để thuyết minh cho lí tưởng tôn giáo mà chính là để phù trợ cho cái thiện thắng cái ác. Lòng tin ở hiển gặp lành là một niềm tin chất phác nhưng tốt đẹp biết bao, nuôi dưỡng trong tâm hồn ta những cảm xúc trong sáng, những ý nghĩ tốt lành đối với con người và cuộc đời. Hơn nữa, truyện cổ tích còn là tiếng nói ca ngợi tình yêu tha thiết và thuỷ chung của con người. Hòn Vọng Phu, Tháp Bà Rầu là những đài kỉ niệm tinh thần về những người phụ nữ sắt son, trung hậu. Cuộc hôn nhân Tiên Dung, Chử Đồng Tử phản ánh truyền thống nhân đạo và khổt vọng dân chủ của nhân dân ta.

Tóm lại, với các loại truyện và những nội dung đã trình bày, truyện cổ tích là những giấc mơ đẹp, những khát vọng tự do, hạnh phúc và công bằng xã hội. Đây là kho báu về trí tuệ tâm hồn và thẩm mĩ cao đẹp của nhân dân ta.

Tóm lại, với các loại truyện và những nội dung đã trình bày, truyện cổ tích là những giấc mơ đẹp, những khát vọng tự do, hạnh phúc và công bằng xã hội. Đây là kho báu về trí tuệ tâm hồn và thẩm mĩ cao đẹp của nhân dân ta.

Thu Huyền

Từ khóa tìm kiếm

  • đặc trưng của truyện cổ tích
  • đặc điểm của truyện cổ tích