Phân tích nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân rất hay

Đề bài: Nêu cảm nghĩ của anh/chị về nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của tác giả Nguyễn Tuân

Bài làm

Nguyễn Tuân (1910-1987)  là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại với những đóng góp xuất sắc trong cả hai giai đoạn trước và sau 1945; các tác phẩm của ông chủ yếu khám phá, miêu tả, khen chê con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ. “Chữ người tử tù” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất trong tập “Vang bóng một thời” xuất bản năm 1940. Huấn Cao là nhân vật chính của truyện ngắn, cũng có thể coi là một nhân vật lý tưởng trong quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân khi trong Huấn Cao hội tụ tất cả những vẻ đẹp của tài hoa, khí phách, thiên lương.

Huấn Cao xuất hiện trong tác phẩm là một con người tài hoa và trong truyện ngắn “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân khắc họa tài hoa của nhân vật này chủ yếu ở tài viết chữ. Đối với người xưa,việc viết chữ Nho lên thành một môn nghệ thuật, một thú chơi tao nhã, đó là nghệ thuật thư pháp. Vẻ đẹp của thư pháp được toát ra từ hình thức, đường nét cho đến nội dung, ý nghĩa của chữ, qua đó còn bộc lộ những hoài bão, tâm nguyện, những khát vọng, cách sống, cách nghĩ của của người viết. Do đó, chiêm ngưỡng chữ là chiêm ngưỡng cả tâm hồn, tài hoa, khí phách của họ. Tài hoa trong nghệ thuật thư pháp Huấn Cao được Nguyễn Tuân thể hiện bằng nhiều cách. Đầu tiên tài năng của ông được giới thiệu gián tiếp qua những lời đồn đại, Huấn Cao chưa đến mà tên tuổi và danh tiếng của ông đã đến trước trong sự “ngờ ngợ” của viên quản ngục. Bình sinh,  ông mới viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân. Vậy mà mọi người đã biết về cái tài “viết chữ rất nhanh và rất đẹp” của ông. Chữ của ông còn được miêu tả trong những lời ca ngợi và niềm mong mỏi, khao khát của quản ngục: “Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm…Có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”. Vẻ đẹp trong đường nét và ý nghĩa của chữ còn được chính Huấn Cao khẳng định: “Những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những hoài bão tung hoành của một con người”. Và cũng chính tài năng phi thường, xuất chúng của Huấn Cao đã lí giải được vì sao quản ngục lại kính trọng ông như vậy, thậm chí dám bất chấp nguy hiểm để biệt đãi và vứt bỏ sự thận trọng vốn có để vào phòng giam xin chữ người tử tù với mong muốn được lưu giữ báu vật trên đời.

Xem thêm:  Không có nghề nào hèn cả, chỉ có những kẻ hèn mà thôi

phan tich nhan vat huan cao trong tac pham chu nguoi tu tu cua nguyen tuan rat hay - Phân tích nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân rất hay

Phân tích nhân vật Huấn Cao

 Không chỉ tài hoa, Huấn Cao còn là một người có khí phách ngang tàn, mạnh mẽ. Theo nhan đề, Huấn Cao là một người tử tù còn theo công văn nhập tù thì Huấn Cao là một người đứng đầu bọn phản nghịch chống lại triều đình. Nhìn ở góc độ của nhân dân thì thì Huấn Cao chính là đấng trượng phu chọc trời khuấy nước, là con người dũng cảm, ngang tàn, dám đứng lên chống lại cả một thể chế xã hội tàn bạo, bất công. Ngay khi vừa xuất hiện, Huấn Cao đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc khi ông rỗ gông trước cửa nhà lao: “Huấn Cao lạnh lùng chúc mũi gông nặng, khom mình, thúc thẳng đầu gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”, nét mặt lạnh lùng, cử chỉ mạnh mẽ, hình ảnh trận mưa rệp trên nền đá xanh, đó là những chi tiết đầy ấn tượng, khắc họa hình ảnh một người lãnh đạo ngạo nghễ, ngang tàn. Suốt nửa tháng ở nhà lao mới, trước cách cư xử kì lạ của viên quản ngục và bọn lính, dù có chút ngạc nhiên nhưng ông vẫn “thản nhiên nhận rượu thịt” , coi đó là một cái việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh khi chưa bị giam cầm. Nhưng biệt đãi mãi mà vẫn “khinh bạc đến điều”, Huấn Cao không quan tâm đến bất kỳ ẩn ý nào có thể dấu bên trong cách cư xử của quản ngục, cũng không quan tâm đến bất kỳ sự trả thù nào có thể xảy ra sau khi sỉ nhục y. Đối với Huấn Cao thì dụ dỗ, mua chuộc hay trả thù đều là vô nghĩa. Bản lĩnh, khí phách của Huấn Cao được thể hiện rõ nét nhất trong cái cảnh cho chữ cuối cùng. Không chỉ tư thế đĩnh đạc, hiên ngang chỉ riêng việc Huấn Cao dành đêm sống cuối cùng của mình cho việc viết chữ, khuyên bảo quản ngục đã cho thấy mọi sự sống chết ở đời ông đều coi thường.

Xem thêm:  Tìm hiểu một vài nét nghệ thuật trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

Không chỉ là sự tài hoa vượt trội, khí phách mạnh mã kiên cường mà điều đáng quý nhất ở Huấn Cao chính là tấm lòng nhân hậu, thiêng liêng cao quý, biết trọng nhân cách nghĩa tình. Ông Huấn Cao có tài viết chữ nhưng ông đã khẳng định:”Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Với ông Huấn, mỗi bức tranh chữ là một tác phẩm nghệ thuật quý giá và nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là một thế giớ cao khiết,không có chỗ cho danh lợi càng không chấp nhận sự đớn hèn. Lời khẳng định của Huấn Cao cho thấy tiết tháo trong sạch, kiên cường của một nhà Nho tài hoa, coi thường cám dỗ vật chất và sức mạnh cường quyền. Với Huấn Cao, viết chữ là một việc cao quý, thiêng liêng, không chỉ thể hiện tài hoa mà còn gửi gắm cái tâm, cái chí của mình.Cái tâm, cái chí ấy chỉ có thể chia sẻ với những người tri âm tri kỉ. Viên quản ngục là kể đại diệ cho cái trật tự xã hội xấu xa, tàn ác mà Huấn Cao đã chiến đấu chống lại nhưng viên quả ngục cũng là người khao khát có được “báu vật trên đời” – chữ ông Huấn. Huấn Cao đã từng ngạc nhiên và bận tâm về sự biệt đãi kì lạ của viên quản ngục nhưng phải tới khi biết được tấm lòng”biệt nhỡn liên tài”, thêm với đó là sở thích cao quý của viên quan quản ngục thì ông mới thực sự xúc động. Con người đứng trên mọi sự sống chết ở đời, con người coi thường cả vàng bạc quyền thế đã phải thốt lên một lời ân hận “Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Như vậy, người biết trân trọng tấm lòng chắc chắn cũng phải là một người có tấm lòng, với Huấn Cao, điều quan trọng nhất của cuộc đời chính là tấm lòng. Từ vị trí của kẻ đối đầu, Huấn Cao đã coi quản ngục là người tri kỉ, có thể thấy Huấn Cao không chỉ quý trọng cái đẹp mà còn quý trọng những con người biết yêu, biết trọng cái đẹp. Như vậy, Huấn Cao mang một vẻ đẹp trọn vẹn, hoàn mỹ không chỉ khí phách, tài hoa mà còn ở thiên lương cao quý.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu

Ca ngợi vẻ đẹp của Huấn Cao – con người hội tụ đồng thời cả tài hoa, khí phách, thiên lương, truyện ngắn vừa thể hiện quan niệm thẩm mỹ tiến bộ của Nguyễn Tuân, vừa lên án xã hội tàn bạo, phi nhân tính. Đó cũng là cách để nhà văn bày tỏ kín đáo sự bất bình của mình với xã hội tàn ác đương thời.  

Linh Đậu