Thầy của tôi

Thầy của tôi

Lúc ống kính quét xuống hàng khán giả thì tôi nhận ra một khuôn mặt quen quen. Xem cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia nhưng tôi cứ mong chờ ống kính lại hướng xuống phía khán giả. Khi thí sinh có tên Tin trả lời chính xác một câu hỏi khá hóc búa thì tiếng vỗ tay ầm ầm. Ông kính lại quét xuống phía khán giả rồi dừng lại ở chỗ người vỗ tay mạnh và lâu nhất. Đúng là thầy Thương rồi! Đúng cái sống mũi cao và thẳng. Đôi mắt sáng cương nghị dưới hàng chân mày rậm. Lẫn đi đâu được cái nốt ruồi ở đầu chân mày trái! Bây giờ trông thầy ốm đi nhiều quá. Mà đã mười mấy năm rồi còn gì!

Thầy Thương dạy tôi hồi lớp 3. Trường học ngày ấy là một cái nhà đội. Nhà đội là nhà để các xã viên trong hợp tác xã hội họp. Ngày đó cấp I chưa có trường riêng mà chỉ mượn tạm nhà đội cho học sinh học. Bàn ghế là những miếng tre ghép lại với nhau. Mặt bàn không bằng phẳng nên kê vở viết bài rất khó. Một đứa làm rung thì cả bàn không tài nào viết được. Khó thế chứ chữ đứa nào xấu thì thầy rèn đến khi đẹp mới thôi. Do vậy chữ của học trò thầy dạy luôn đều và đẹp lắm.

Mùa mưa đến mái lá dột ướt sũng. Bọn tôi phải ngồi dồn lại mà học để tránh chỗ mưa. Phên tre trống hoác lại càng trống thêm khi gió giông cứ giật từng hồi. Thầy vận động phụ huynh học sinh mỗi người một tấm tranh và một cây tre. Tre chưa đủ nên cứ thứ năm và chủ nhật thầy lên núi chặt thêm tre về làm trường. Sau đó học sinh chúng tôi đi lao động. Mỗi học sinh đem một bó rơm khô. Thầy trò cùng đào đất trộn hồ trét lại vách. Vách đất kín. Mấy cửa sổ lò thò rơm khô. Lớp học không sáng như trước nhưng kín gió và ấm lạ kỳ.  

Xem thêm:  Qua nhân vật Phùng, hãy làm tỏ những suy tư, chiêm nghiệm đầy tính triết lí của Nguyễn Minh Châu về cuộc đời và nghệ thuật.

Có hôm tôi bị cảm lạnh. Chiều tối trời lại mưa to, gió dữ. Nước lại ngập đồng. Đường về nhà tôi thì xa. Đường về nhà thầy cũng vậy. Tôi ở thôn 3, còn thầy ở thôn 5. Trường học ở giữa nên thầy và tôi ngược đường nhau. Ngược dường nhưng thầy vẫn mang áo tơi cõng tôi về nhà. Tôi bấu chặt cổ thầy, cục cựa trong chiếc áo tơi sột soạt, nghe hơi ấm lan tỏa khắp cơ thể.

thay cua toi - Thầy của tôi

Bóng dáng và tâm hồn cao cả của thầy luôn theo mãi tôi trong suốt chặng đường dài

Học sinh khi ấy thường bỏ học để chăn trâu, chăn bò hay giữ em phụ giúp gia đình. Biết được điều đó thầy chia cho bọn tôi học tổ, học nhóm. Thỉnh thoảng thầy đi đến từng nhóm để kiểm tra, luôn tiện thầy thăm hỏi từng nhà học sinh. Nhiệt tình của thầy và sự ham học của học sinh khiến không phụ huynh nào lại nỡ cho con mình bỏ học.

Có một vụ mùa, sau khi cấy mẹ tôi phải lên núi đốt than. Tôi nghỉ học mấy bữa đi theo phụ mẹ. Khi tôi lon ton về nhà thì thấy thầy ngồi nói chuyện với ông bà ngoại tôi. Ông bà tôi quí thầy lắm. Chào thầy xong tôi trốn mãi trong buồng. Tôi sợ thầy la vì đã trốn học mà không xin phép. Thầy gọi tôi mới dám ra. Mẹ tôi cũng vừa về. Mẹ tôi xin lỗi thầy vì đã để tôi nghỉ học. Cả nhà tôi mời thầy ở lại dùng bữa tối, chỉ có sắn và khoai luộc.

Tháng đó thầy nhận lương được 13kg gạo. Thầy đem cho ông bà tôi một nửa. Ông bà tôi không chịu nhận. Thầy còn cha già kia mà! Thầy tốt nghiệp cao đẳng sư phạm nhưng xin về dạy cấp I cho gần nhà để tiện chăm sóc cha. Thấy ông bà tôi từ chối mãi, thầy đề nghị… đổi một ít khoai. Thầy nói nhà thầy không có khoai nên cũng thích.

Lúc ông tôi qua đời, tôi lại nghỉ học. Ông nằm, tôi ngồi mãi bên ông. Tôi canh cho ông nằm đợi mấy người con ở xa về. Tôi đang suy nghĩ miên man thì thầy vào lay khẽ vai tôi. Thầy dắt tôi ra ngoài sân. Lại có đầy đủ 41 đứa bạn cùng lớp tôi nữa! Chúng vây lấy tôi. Tôi òa khóc. Khóc to lắm. Khóc như chưa bao giờ được khóc. Vai tôi run lên bần bật. Thầy bế xốc tôi lên, vỗ vỗ vào vai tôi. Thầy nói gì nhưng tôi nghe không rõ. Trong vòng tay của thầy tôi cao lắm. Từ trước đến giờ có ai bế tôi như vậy bao giờ đâu! Từ bé tôi đã mồ côi cha. Giá tôi có được người cha giống như thầy thì sướng biết dường nào!

Năm sau đó tôi không còn học thầy nữa nhưng thầy vẫn mượn sách giáo khoa cho tôi học. Thầy còn sắp xếp thời gian để bồi dưỡng tôi một buổi một tuần. Khi tôi đi thi học sinh giỏi huyện thì thầy mượn đâu được chiếc xe đạp để chở tôi đi. Thầy trò tôi đi rất sớm. Xe không có yên sau nên thầy đặt tôi ngồi trên cây ngang sườn xe. Trời lại mưa. Đường mới sửa. Đất cứ dính bết vào bánh xe. Đi được một đoạn thì thầy trò tôi dừng lại để cạy đất bám trên vè xe rồi mới đi tiếp được. Tôi đến huyện thì đã trễ lắm rồi. Khi nhảy xuống xe tôi mới biết mình đánh rơi một chiếc dép nhựa. Đường xa, ngồi trên cây ngang nên chân tê cứng, tôi không hay dép mình rơi tự lúc nào. Gấp quá, thầy đưa tôi dép của thầy cho tôi mang và hối tôi chạy vào trường thi kẻo trễ giờ. Thầy dắt chiếc xe đầy bùn đất đi theo sau. Chân tôi bé xíu làm sao mang vừa đôi dép của thầy! Tôi cầm đôi dép của thầy chạy.

Xem thêm:  Viết đoạn văn nghị luận 200 chữ, suy nghĩ về giá trị của tuổi trẻ

Suốt buổi thi thầy ngồi ngoài cổng trường chờ tôi. Thầy đã mua cho tôi đôi dép mới thật là xinh. Khi tôi ra là thầy lao tới hỏi. Rồi thầy dắt tôi đi ăn trưa. Tôi rất đói. Thầy gắp thức ăn bỏ hết cho tôi. Thầy nhìn tôi ăn một cách trìu mến. Chưa bao giờ tôi thấy ngon đến thế! Có lẽ đó là bữa ăn ngon nhất trong đời tôi!

Sau đó gia đình tôi đi kinh tế mới. Thầy cũng chuyển nơi dạy nên tôi không gặp được thầy nữa.

Bây giờ tôi thấy thầy. Hình ảnh thầy ngày xưa lại hiện về. Bóng dáng và tâm hồn cao cả của thầy luôn theo mãi tôi trong suốt chặng đường dài, làm tôi vững tâm khi gặp những khó khăn, thử thách. Tôi rất tự hào và hạnh phúc vì đã có người thầy như thế! Ai đó đã tắt tivi từ lâu rồi mà tôi vần còn nhìn mãi, nhìn mãi…

TRƯƠNG ANH QUỐC

(Tp.HCM)