Thay lời nhân vật người em, kể lại truyện “Sự tích trầu cau”

Đề bài: Thay lời nhân vật người em, kể lại truyện "Sự tích trầu cau”.

Bài làm 1

Tôi tuy là một tảng đá vôi nhưng cuộc đời của tôi lại rất dài. Tôi không phải là một tảng đá vôi bình thường như bao tảng đá khác. Bỏi vì xưa kia tôi chính là một con người. 

Hồi đó, nhà họ Cao chúng tôi có hai anh em. Tôi và anh của tôi. Chúng tôi giống nhau như đúc, đến nỗi người ngoài không thể phân biệt được ai là anh, ai là em. Hai anh em tôi hơn nhau một tuổi và rất thương yêu, quý trọng nhau. Những tháng năm được sống vui vầy bên cha mẹ, bên người anh ruột thịt là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong đời tôi. Nhưng những ngày tháng êm đềm ấy không cùng tôi suốt cuộc đời. Khi hai anh em tôi mới mười bảy, mười tám tuổi thì cha mẹ chúng tôi đều lần lượt qua đời. Từ đó, chúng tôi lại càng yêu quý nhau hơn trước.

Không được cha mẹ dạy dỗ cho nữa, tôi và anh tôi đến xin học tại ông thầy họ Lưu. Chúng tôi đều cố gắng chăm chỉ học hành nên được thầy Lưu yêu như con. Thầy Lưu có một người con gái, tuổi chừng mười sáu, mười bảy rất xinh đẹp, dịu dàng, con gái trong vùng ít ai sánh kịp. Từ khi hai anh em tôi đến học, cô gái có vẻ quấn quýt với hai anh em chúng tôi lắm. Một hôm, nhà nấu cháo, cô gái múc một bát cháo và một đôi đũa mời chúng tôi ăn. Cầm bát cháo từ tay cô gái, tôi nghĩ: "Anh mình lớn hơn mình, vì vậy mình phải nhường cho anh ăn trước mới phải.". Nghĩ vậy, tôi bèn mời anh ăn trước. Sau đó, anh tôi đã lấy cô gái làm vợ. Việc mời ãn cháo chính là một cái cớ để cô gái phân biệt được chúng tôi ai là anh, ai là em. Cũng từ khi anh tôi lấy vợ, tôi cảm thấy rằng tình cảm anh em giữa chúng tôi hình như không được thắm thiết như trước nữa thì phải. Tôi buồn lắm nhưng anh tôi vẫn vô tình không để ý đến. Một buổi chiều nọ, anh và chị dâu đã đi vắng, tôi ngồi trước cửa và nhìn ra khu rừng xa xa. Càng nghĩ, tôi càng cảm thấy mình là đồ thừa trong cái gia đình nhỏ bé, hạnh phúc này. Vừa tủi thân, lại cảm thấy thật cô đơn, tôi vùng đứng dậy ra đi. Tôi cứ đi mãi, đi mãi đến khi rừng già ở trước mắt. Theo con đường mòn, tôi đi thẳng vào rừng. Trời đã tối, trăng đã lên cao. Tôi đi mải miết cho tới khi gặp một con suối rộng, nước sâu và xanh biếc trong rừng. Không thể lội qua được, tôi đành ngồi nghỉ bên bờ. Tôi đã khóc, khóc nhiều lắm. Đêm đã khuya, sương lạnh rơi xuống mỗi lúc một nhiều. Những giọt sương cứ thấm dần, thấm dần vàò da thịt tôi. Cuối cùng tôi đã chết mà vẫn ngồi trơ trơ, biến thành tảng đá vôi như bây giờ. Tôi có ngờ đâu, anh tôi về nhà, không thây tôi đâu bèn vội vàng đi tìm nhưng không nói cho ai biết cả. Cũng theo con đường tôi đã đi. Anh cũng tới được con suối rộng, nước xanh biếc đang chảy cuồn cuộn dưới ánh trăng vàng. Không lội qua được nữa, anh tôi bèn ngồi xuống, tựa lưng vào tảng đá bên bờ suối. Anh có ngờ đâu tảng đá ấy chính là đứa em ruột thịt của mình. Anh cứ ngồi đấy gọi tên tôi, những giọt sương từ cành lá rơi lã chã xuỏng vai áo anh, thấm vào da thịt anh. Anh tôi đã ngất đi và chết cứng, biến thành một cái cây không cành mọc thẳng lên bên tảng đá. Cái cây cứ rì rào, rì rào, tán lá trên cao như nói lời xin lỗi muộn màng. Anh ơi, em sẵn sàng tha thứ cho anh bởi vì chúng ta là ruột thịt của nhau, chính em phải nói lời xin lỗi với anh. Tôi chỉ muốn hét thật to lên như vậy. Nhưng đâu còn thời gian nữa, giờ đây, tôi đã biến thành tảng đá. Đá thì làm sao nói được.

Xem thêm:  Phân tích sự hài hoà giữa bút pháp cổ điển với bút pháp hiện đại trong thơ Hồ Chí Minh trong bài thơ “Mộ” (Chiều tối)

su tich trau cau1 - Thay lời nhân vật người em, kể lại truyện "Sự tích trầu cau”

Dân trong vùng gọi tôi là đá vôi, anh tôi là cây cau còn người chị dâu là cây trầu

Ở nhà, chị dâu tôi chẳng thấy chồng đâu, cũng chẳng thấy em đâu bèn tất tả đi tìm. Bước thấp, bước cao. Cuối cùng chị cũng tới được con suối trong rừng. Cũng như anh em tôi, không lội qua được, chị đành ngồi lại bên bờ tựa lưng vào cái cây. Chị ơi, cái cây chị đang tựa vào chính là chồng của chị đấy. Tôi rất muốn nói cho chị biết điều đó. Chị dâu tôi cứ ngồi đấy, than khóc, vật vã. Chưa đầy nửa đêm, chị đã mình gầy xác ve, thân dài lêu nghêu biến thành cây leo cuốn chặt lấy cây không cành, về sau, chuyện chúng tôi đến tai mọi người, ai nấy đểu thương xót. Dân trong vùng gọi tôi là đá vôi, anh tôi là cây cau còn người chị dâu là cây trầu. Tôi cũng rất mong rằng bây giờ cũng sẽ có những tình cảm anh em vợ chổng gắn bó như chúng tôi đây.

Bùi Mai Anh 

(Trường THCS Trưng Vương ) 

Bài làm 2

Tôi là một tảng đá vôi nhưng quãng đời của tôi lại rất dài. Tôi không phải là một tảng đá bình thường đâu mà tôi là một con người đã bị biến thành đá. Hôm nay, tôi muốn tâm sự với bạn về cuộc đời của tôi. Các bạn nghe nhé!

Xem thêm:  Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

Trước đây, tôi sống với bố mẹ tôi và người anh song sinh. Hai anh em tôi giống nhau lắm và anh em tôi yêu thương nhau vô hạn. ít lâu sau, bố mẹ chúng tôi đều qua đời. Không được bố mẹ dạy cho nữa, anh em chúng tôi bảo nhau đến xin học ở nhà ông thầy họ Lưu.

Ông Lưu có một cô con gái rất xinh đẹp, nết na. Thấy hai anh em tôi chăm chỉ học hành, lại đứng đắn nên cô gái sinh lòng yêu mến, muốn kén người anh của tôi làm chồng. Nhưng cô ấy không thể phân biệt được ai là anh, ai là em.

Một hôm nhân nhà nấu cháo, cô gái nghĩ ra một kế, cô múc một bát cháo với một đôi đũa lên mời anh em tôi ăn. Thấy vậy, tôi liền bưng bát cháo lên mời anh tôi ăn. Cô gái đã phân biệt được ai là anh, ai là em. Cô bèn nói với cha, mẹ cho phép mình được lấy người anh làm chồng.

Từ khi anh tôi có người vợ thì tôi cảm thấy tình cảm của tôi và anh tôi không được thắm thiết như trước nữa. Tôi buồn lắm nhưng anh tôi nào có để ý đến.

Một buổi chiều, như thường lệ, tôi cùng anh tôi trên nương trở về. Tôi vào nhà trước, vừa thấy tôi, người chị dâu của tôi từ trong nhà bước ra, tưởng tôi là chồng chị, chị ôm chầm lấy, tôi kêu thét lên, cả nhà tôi và chị dâu của tôi đểu xấu hổ. Giữa lúc ấy, anh trai tôi bước vào nhà. Từ đấy, anh của tôi lại càng hững hờ với tôi hơn.

Một hôm, anh chị tôi đều đi vắng cả. Tôi ở nhà một mình. "Ôi, sao tôi lạnh lẽo, cô đơn và buồn tủi thế này? Có lẽ mình phải ra đi để tránh sự cãi nhau của anh chị tôi vì có thể anh tôi sẽ trách chị tôi là có thế mà cũng nhầm lẫn, rồi sinh ra cãi nhau". Và thế là tôi quyết định ra đi.

Tôi cứ nhằm thẳng khu rừng trước mặt mà đi, theo con đường mòn, tôi đi mãi, đi mãi. Trăng lên cao, chiếu sáng cả một vùng. Sương đã xuống mỗi lúc một nhiều nhưng tôi vẫn cứ đi và tôi phải dừng lại trước một con suối rộng, sâu và xanh biếc. Không lội qua được, tôi ngồi gục xuống khóc. Nhưng chỉ đến nửa đêm là tôi rùng mình biến thành một tảng đá trắng tinh. Tôi đã hoá thành tảng đá trắng để tượng trưng cho tấm lòng trong sáng và vững vàng của tôi.

Xem thêm:  Phân tích hình ảnh nhân vật Tràng và vẻ đẹp của tình người trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân

Lúc bấy giờ, anh tôi mới đi về, tìm mãi không thấy tôi đâu, anh tôi mới lẳng lặng đi tìm. Lúc này, tôi mới hiểu rằng anh tôi vẫn thương tôi như trước. Anh tôi cũng đi theo con đường mà tôi đã đi, anh đi mãi, đi mãi. Trăng đã lên cao, sáng vằng vặc. Sương vẫn xuống đều. Anh tôi cũng đi đến con sông đang chảy cuồn cuộn. Anh tôi không còn đi được nữa, anh ngồi gục bên tảng đá rền rĩ gọi tôi, khóc than đến nửa đêm thì anh rùng mình biến thành một cái cây không cành, mọc bên tảng đá. Anh tôi đã hoá thành cây thẳng để chứng minh rằng anh rất thẳng thắn, các tán lá xoè ra vẫn luôn hướng về mọi phía như để ngóng chờ tôi.

Lại nói đến chuyện người chị dâu của tôi ở nhà, không thấy chồng mình đâu, vội vã đi tìm. Chị cũng đi theo con đường mòn và đến con sông đang chảy dưới ánh trăng sáng và màn sương đêm. Chị đành dừng lại bên bờ suối ôm lấy cái câày không cành mà khóc. Chị đang khóc đấy, nhưng chị có ngờ đâu chị đang ôm lấy chồng mình và gần đấy là tảng đá em chồng của mình. Nhưng chỉ chưa đầy nửa đêm, thân hình chị đã thành một dây leo, quấn chặt lấy cái cây.

Chị đã chết dựa vào chồng mình.

Chuyện đến tai mọi người, ai nấy đều thương xót, Thế rồi một hôm, vua Hùng đi qua, dân đem câu chuyện kể cho vua nghe và rước vua đến xem. Vua bảo: "Nếu quả thực là tình cảm ba người thắm thiết như vậy thì cây không cành, đá, cây dây leo sẽ có mối giao hoà với nhau.". Quả nhiên khi đem nghiền thứ quả ở cây không cành với lá cây dây leo thì thấy có mùi vị cay cay, nhai thử thấy thơm và nhổ nước vào tảng đá thì thấy có màu đỏ chót. Dân trong vùng gọi cây không cành là cây cau, cây leo là cây trầu, còn tảng đá là tảng đá vôi.

Từ đó có tục ăn trầu. Tục ãn trầu bắt nguồn từ tình cảm keo sơn, thắm thiết của ba người. Vì thế các ngày lễ, hội hè, ăn trầu đã trở thành một tập tục đẹp của dân tộc ta.

Phùng Minh Hiếu 

(Trường THCS Trưng Vương) 


Từ khóa tìm kiếm

  • https://taplamvan edu vn/thay-loi-nhan-vat-nguoi-em-ke-lai-truyen-su-tich-trau-cau/