Thuyết minh về cây chuối làng quê Việt Nam

Thuyết minh về cây chuối làng quê Việt Nam

Bài làm

Ca dao Việt Nam có câu:

Đầu làng có cây chuối

Cuối làng có cây đa

Quả thực vậy, cùng với những bóng tre, những cây đa, cây si cổ thụ, những bụi chuối xanh mướt đã trở thành hình ảnh đẹp, bình dị mà cũng đầy quen thuộc của làng quê Việt Nam. Cây chuối đã gắn bó và trở thành loài cây gần gũi trong đời sống của người Việt Nam, của làng quê Việt Nam.

Trên khắp dải đất hình chữ S, có biết bao giống chuối khác nhau: chuối tiêu, chuối ngự, chuối cau, chuối hột, chuối ba hương,… Mỗi loại chuối có một vẻ riêng, đặc trưng riêng: Chuối tiêu trông cong như lưỡi liềm, chưa chín có màu xanh đậm, chín rồi thì chuyển màu vàng ươm. Chuối ngự lại vàng óng như tơ, quả nhỏ và thon thon. Chuối cau có hình dáng như tên gọi, tròn và mập mạp như quả cau nhỏ. Các giống chuối tuy khác nhau về dáng vẻ, nhưng tất cả đều có hương vị dẻo thơm và nhiều công dụng trong đời sống con người.

Chuối thường sinh trưởng tốt ở những nơi ẩm ướt, nên dễ hiểu vì sao, ở làng quê, chuối thường mọc rất nhiều bên cạnh những bãi sông hay ao hồ; còn ở rừng, bên những khe suối hay thung lũng lại là nơi xuất hiện của những rừng chuối dại bạt ngàn. Rễ chuối thuộc loại rễ chùm cho nên không ăn sâu vào mặt đất. Chuối thường mọc thành từng bụi, nhưng để chuối sinh trưởng tốt thì người ta thường trồng từ 1-3 cây mỗi bụi. Nhìn từ xa, những những cây chuối mọc thành từng bụi xanh tốt thật chẳng khác nào những người anh em ruột thịt trong một nhà, luôn yêu thương gắn bó bên nhau.

Xem thêm:  Giới thiệu thuyết minh về khèn – một loại nhạc cụ dân tộc

Có thể nói, hiếm có loài cây nào mà mỗi bộ phận đều có ích như chuối: từ thân, lá, gốc, đến hoa, quả chuối đều hữu dụng. Thân chuối có hình tròn, thẳng đứng và lúc nào cũng xanh mướt, loang loáng nước. Thân chuối trông thuôn dài và lại nhẵn thín như những cây cột nhà bóng loáng. Thực chất, phần thân đó do những bẹ lá (thân giả) chất chồng mà tạo nên, bên trong bẹ chuối có những lỗ vuông nhỏ chạy song song với cây chuối. Bẹ càng ở phía ngoài thì màu sắc càng thẫm và bẹ nằm ở chính giữa thì có màu trắng. Chỉ riêng thân chuối đã có nhiều công dụng: Sau khi thu hoạch quả rồi, bẹ chuối lại được dùng để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm bằng cách xắt mịn ra từng lớp. Ngoài ra, những chiếc bẹ chuối khi tách ra và phơi khô còn có thể dùng để làm lạt buộc cua. Sau khi phơi dưới ánh nắng mặt trời, bẹ chuối trở nên rất dẻo và dai nên có thể dùng làm dây buộc.

Lá chuối mọc thành từng tàu, lúc mới ra chỉ cuộn tròn như chiếc hoa loa kèn, lúc đã khôn lớn thì xanh mướt và xòe rộng như một tấm phản. Lá chuối xanh thẫm ở mặt trên, còn mặt dưới lại có màu xanh nhạt hơn và có phấn trắng. Đặc biệt, khi đã già, lá chuối rũ xuống bám chặt lấy thân cây chứ không rơi rụng như những lá cây khác, sau đó sẽ dần chuyển từ màu vàng tươi sang màu nâu nhạt. Chính vì lá chuối khô bám chặt lấy thân cây nên để loại bỏ những lá khô, người nông dân phải dùng dao để tước lá. Phải chăng vì thế mà có nhà thơ trung đại nào đã từng mượn đặc điểm này của lá chuối để ca ngợi khí tiết của người quân tử: “Thà ôm hương chết trên cành/ Còn hơn rụng rơi trong gió”. Lá chuối cũng có rất nhiều công dụng: Lá chuối tươi có thể dùng để gói bánh chưng, gói xôi,… hay làm thức ăn cho gia cầm. Lá chuối khô được dùng làm nguyên liệu đốt. Phần xương chạy theo lá chuối khô rất bền, có thể dùng nó để buộc rau ra chợ bán.

Xem thêm:  Soạn Bài Ôn Tập Về Văn Bản Thuyết Minh Lớp 8 Tập 2

Mỗi cây chuối đều cho một buồng. Có buồng chuối dài từ ngọn cây, trĩu xuống tận gốc cây. Quả chuối nhìn chung thường to, đẹp và đều. Chuối xanh có thể xắt lát mỏng và hay dùng để nấu cùng với những món ăn có vị tanh như ốc, lươn,… để khử tanh và tăng thêm hương vị cho món ăn. Chuối chín vàng ruộm, thơm ngon và có nhiều dinh dưỡng, có thể ăn ngay hoặc dùng chuối chín để làm bánh kẹo, hoặc ăn kèm cùng với cốm cũng đặc biệt hấp dẫn.

Ngoài những bộ phân trên, cây chuối còn rất nhiều bộ phận hữu ích khác. Nõn chuối mới ra đã từng được Nguyễn Trãi ví với “bức tình thư còn phong kín”, trông thật e ấp. Người dân quê thường dùng nõn chuối ăn kèm với bún riêu, bún ốc hoặc ăn như một thứ rau sống. Giữa màu xanh mướt của bụi chuối, có thể nhìn ra một màu đỏ tươi của bắp chuối – giống như một búp sen treo ngược. Người dân cũng thường cắt bắp chuối để xào hoặc làm nộm rất ngon.

Trong đời sống văn hóa, chuối là loại quả gắn liền với sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt. Trong mâm ngũ quả ngày Tết không thể thiếu chuối. Người Việt còn mua chuối để thắp hương trong ngày rằm, mồng 1. Cây chuối còn là biểu tượng cho làng quê Việt Nam. Cây chuối đã đi cả vào đời sống tinh thần của người nông dân qua những so sánh, liên tưởng thú vị:

Xem thêm:  Chẳng may em đánh vỡ một lọ hoa đẹp. Hãy kể lại sự việc đó

Mẹ già như chuối chín cây

Hay:

Trẻ trồng na, già trồng chuối

Gió đưa bụi chuối te tàu

Chàng Nam thiếp Bắc làm giàu ai ăn?

Tóm lại, cây chuối đã gắn bó trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam từ bao đời nay. Cây chuối không chỉ là hình ảnh đẹp của làng quê Việt, mà còn là loại cây có nhiều công dụng, mang lại giá trị thiết thực cho người Việt.