Tiêu chí phân chia thể loại tác phẩm văn học

Tiêu chí phân chia thể loại tác phẩm văn học

Hướng dẫn

Tiêu chí phân chia thể loại tác phẩm văn học

Thể loại là hình thức chỉnh thể của tác phẩm văn học xuất hiện lần lượt trong lịch sử văn học. Nói đến lịch sử văn học về mặt thể loại là nói đến chuỗi liên tục các sự xuất hiện, biến đổi và phát triển của các thể loại văn học với các hình thức đa dạng của nó. Đồng thời, các thể loại ấy cũng bộc lộ những quy luật chung trong sự phản ánh đời sống và trong cấu tạo tác phẩm. Do đó, để chiếm lĩnh các quy luật tổ chức thể loại văn học, từ xưa người ta đã tiến hành phân loại tác phẩm. Lí luận văn học xưa nay đã biết đến nhiều cách phân loại khác nhau nhưng quan trọng nhất là các cách sau:

Dựa vào hình thức câu văn: thơ (văn vần) và văn xuôi (tản văn). Ở đây có thể nói đến truyện thơ, truyện xuôi, thơ, thơ văn xuôi, kịch thơ, kịch nói, thơ ngụ ngôn, truyện ngụ ngôn.

Dựa vào thể văn, tức hình thức lời văn được tổ chức theo một thể thức nào đó. Chẳng hạn, thể thơ 2, 3, 4, 5, 6, 8 chữ, thơ song thất lục bát, thơ tự do. Thể văn xuôi: thể nhật kí, chiếu, biểu, văn tế, … Mỗi loại văn thường sử dụng một thể văn tương ứng: loại tự sự sử dụng văn trần thuật, kịch sử dụng văn đối thoại, thơ dùng thể văn giãi bày cảm xúc, bộc lộ.

Xem thêm:  Đọc – hiểu văn bản: “Tràng giang” (Huy Cận)

Dựa vào dung lượng tác phẩm là tiêu chí, chủ yếu dựa vào hiện thức được thể hiện trong tác phẩm và độ dài ngắn của nó. Có thể nói đến truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, thơ, trường ca, khúc ngâm, kịch ngắn, kịch nhiều hồi.

Dựa vào cảm hứng, tình điệu thẩm mĩ có thể phân ra: tụng ca, bi ca, trữ tình hay châm biếm, truyện cười, truyện tình cảm, bi kịch, hài kịch, chính kịch, …

Ngoài ra, người ta có thể dựa vào nội dung thể loại để phân chia tác phẩm văn học: thể loại lịch sử dân tộc, thể loại đạo đức thế sự, thể loại đời tư.

Các thể loại được trình bày trên đều có thể được thể hiện trong các loại tác phẩm văn học khác nhau và nhiều khi có sự kết hợp chặt chẽ chứ không hoàn toàn tách biệt. Vì vậy, khi nghiên cứu về thể loại tác phẩm văn học cần chú ý đến các hình thức trung gian, kết hợp giữa văn xuôi và văn vần, giữa tự sự và trữ tình, giữa thơ và truyện, hoặc giữa văn học với các lĩnh vực khác, chẳng hạn như giữa văn học và lịch sử, giữa văn học và nghiên cứu, giữa văn học và âm nhạc, giữa văn học và nghệ thuật sân khấu.

Trong quá trình vận động của văn học, sự hình thành, phát triển và mất đi của các loại thể văn học là hiện tượng phát triển bình thường. Cở sở xã hội, nhu cầu của các tầng lớp giai cấp về mặt nhận thức cuộc sống, thị hiếu thẩm mĩ, … sẽ quy định sự phát triển của các loại thể văn học. Các loại thể văn học tuy thay đổi qua các thời kì lịch sử, song, vẫn có những mặt ổn định tiếp nối nhau từ giai đoạn này qua giai đoạn khác. Sự tiếp nối ấy ở từng loại thể văn học thay đổi nhưng phương thức phản ánh cuộc sống ít thay đổi.

Xem thêm:  Công cha, nghĩa mẹ

Việc nghiên cứu thể loại không chỉ nhận ra một tác phẩm thuộc loại văn học nào, mà hơn nữa, nhận ra cái hình thức thể loại thành hình thức chỉnh thể của nó, quy định sự thống nhất nội dung và hình thức của nó. Các tiêu chí nội dung và hình thức thể loại trên rất quan trọng để giúp vào việc nghiên cứu.

Theo Taplamvan.edu.vn