Đề bài: Tết Trung thu là một nét đẹp văn hoá, là niềm vui náo nức của tuổi thơ. Thế mà gần đây có hiện tượng là dịp để người lớn tặng quà nhau. Bánh trung thu có giá quá cao, xa tầm tay trẻ thơ. Anh chị suy nghĩ gì về hiện tượng này?
Có một nghịch lí là Trung thu chỉ là dịp để người lớn làm chuyện "ân nghĩa" cho nhau, bởi lẽ cái sản phẩm này đã được đẩy lên cái sự sang trọng phù hợp cho những món quà lễ Tết của kẻ dưới đối với kẻ trên.
Năm nay có ,dôi tháng nhuận nên Tết Trung Thu phải qua tháng Mười dương mới tới. Nhưng từ nhiều tuần nay, cứ xem truyền hình rồi bước ra ngoài phố, không khí Tết Trung Thu đã hiển hiện trong các tiết mục quảng cáo hay trong các cửa hàng ngày một nhiều, ngày một hoành tráng, các khách sạn lớn đều quảng cáo trước sản phẩm của mình. Những hãng làm bánh kẹo lớn trong nước và cả những hãng nhập khẩu bước vào cuộc cạnh tranh không kém phần quyết liệt với vô vàn sản phẩm mà xưa kia trong Ngày Tết Trung Thu chỉ quy vào hai món đầu vị là bánh nướng và bánh dẻo. Báo chí đã nêu lên những cái tít dễ gây suy nghĩ: "Bánh Trung Thu không phải để… ăn" hoặc "Tết Trung Thu là của… người lớn"… để nói lên cái nghịch lí rằng đây chỉ là dịp để người lớn làm chuyện "ân nghĩa" cho nhau, bởi lẽ cái sản phẩm này đã được đẩy lên cái sự sang trọng phù hợp cho những món quà lễ Tết của kẻ dưới đối với kẻ trên… Quà biếu vốn là sản phẩm của sự ứng xử, giao tiếp giữa con người trong các mối quan hệ xã hội.
Nó hình thành do một nhu cầu của thưc tiễn, ban đầu có thể là sự chia sẻ những giá trị vật chất mà con người có được để bày tỏ những giá trị tinh thần như "nhường cơm sẻ áo". Theo cách nói hiện nay thì là "vật thể hóa các giá trị "phi vật thể". Những giá trị tinh thần cùng với sự phân hoá và phân công xã hội được chuẩn mực hoá thành tập quán, phong tục hay lễ tiết trong đời sống. Nó hình thành cùng với những thay đổi xã hội ngày càng phong phú và phức tạp. Trước hết có thể là quan hệ giữa những người thân thuộc trong gia đình như con cháu đối với các đấng sinh thành rồi mở rộng ra những quan hệ thầy-trò, chủ-thợ, quân-thần, v.v… Trong những thời kì thịnh trị, xã hội nền nếp thì quà biếu là hình thức để thể hiện những giá trị tinh thần và đạo lí tốt đẹp. Còn đến khi xã hội suy vi thì quà biếu cũng bị nhuốm màu của sự mua bán những giá trị vốn là tinh thần và đạo lí ấy thành mối quan hệ trao đổi và vụ lợi, biến thành phương thức thanh toán những "món hàng không thể xuất hoá đơn".
Hối lộ chính là phương thức thanh toán những lợi ích bất chính dưới hình thức quà biếu. Cũng có thể nói rằng hối lộ từ lâu đã trở thành một hiện tượng phổ biến ở moi nơi và mọi thời. Vì hối lộ cần đến cái vỏ bọc bên ngoài nên hình thức thể hiện của nó muôn hình muôn vẻ. Có thể là một món tiền trong phong bì, lại có thể là một vật dụng rất cụ thể, một cái nhấp "chuột" chuyển tài khoản, một suất bất động sản hay một phiếu nghỉ mát, một suất học bổng v.v… Một hình tượng đơn giản là cái phong bao (hay phong bì) từ biểu hiện của sự lịch thiệp kín đáo đã trở thành cách che đậy cho hành vi bất minh.. "Văn hoá phong bì" đã trở thành một hiện tượng xã hội tiêu cực mà thực chất là một hiện tượng "phản văn hoá"…
Cũng cần nói thêm rằng, vấn đề quà biếu đã là một vấn đề toàn cầu, đồng thời nó cũng mang những sắc thái riêng của từng vùng miền văn hoá V.V.'.. Nhật Bản là một ví dụ, có nhận xét cho rằng ở xứ sở này mua chuộc và hối lộ đã đạt đến mức hoàn chỉnh cả với Mexico và Philippines là hai quốc gia nổi tiếng về vấn nạn này ở hai châu lục lớn. Con số tiền dùng để lót tay bằng quà cáp, phong bì và những biến thể của nó lên tới hàng tỉ đôla, nhiều cách hối lộ đã thành nếp, thành tập quán. Nó phổ biến đến mức người Nhật coi đó là Junkatsuyu (nhuần hoạt du), nghĩa là "dầu bôi trơn". Cũng vì thế mà ở mọi nơi, rất khó phân biệt giữa quà tặng với hối lộ.
Người ta hay nói đến một hình thức đã trở thành sự hiểu ngầm việc hai đối tác kí kết hợp đồng với nhau sau một cuộc "chơi mạt chược". Trong cuộc chơi bên nhận thầu luôn thua cuộc để bên chủ thầu thắng. Kết quả mỗi cuộc chơi thường được ngầm hiểu là món quà lót tay để trúng thầu và rốt cuộc mọi kí kết đều ổn thoả và vô cùng… hợp pháp.
Ở Trung Quốc những vấn đề tương tự cũng tồn tại lâu đài. Có nhà nghiên cứu đã viết hẳn một cuốn sách dày về vấn đề này dưới nhan đề "Quà cáp, Ân huệ và Tiệc tùng" để kết luận rằng không thể thiếu được những món quà trong các mối quan hệ và khái quát thành một môn học mới được gọi là "quan hệ học"… ở Việt Nam chắc cũng không thể là một ngoại lệ. Tôi biết đến một vị giáo sư Việt kiều giảng dạy ở một nước phương Tây quê ở một tỉnh miền Trung. Ông về nước tham gia giảng dạy và xây dựng một chương trình nghiên cứu về vùng quê hương mình và nâng lên thành một môn học riêng.
Ông cho người làm một thống kê điều tra về những người đồng hương đang giữ những cương vị ở các cơ quan Trung ương và Thủ đô. Chương trình nghiên cứu cả ý thích, tâm lí… Mục tiêu cuối cùng của chương trình là để có căn cứ tư vấn cho các nhà đầu tư tiếp cận một cách có hiệu quả nhất khi đến Việt Nam và coi những nhân vật đồng hương với vị giáo sư nọ làm đột phá khẩu và đương nhiên các món quà thích hợp sẽ là những trái công phá đầu tiên…
Lại nhớ đến một ông quan ở thế kỉ XIX là Đặng Huy Trứ, cả đời đi làm quan, cuối đời tổng kết lại thấy điều khó nhất của người làm quan là "nhận hay không nhận” trước những cám dỗ của các món quà người ta đưa đến.
Là người học rộng, ông khảo cứu tình hình quan trường cả ở Trung Hoa và Việt Nam nhận ra rằng đã làm quan phải sống bằng lương bổng. Lương bổng ở ta đã thấp hơn phương Bắc chỉ trông vào những gì triều đình cấp thì không sao sống nổi. Ở Trung Hoa người ta còn bổ sung cả khoản "dưỡng liêm" để giúp cho quan có thêm thu nhập để giữ sự thanh liêm, mà cũng không ngăn được. Do vậy ông quan họ Đặng vốn nổi tiếng thanh liêm và có tư tưởng cấp tiến thu thập tư liệu, khảo sát trong sách vở và trong đời sống để soạn một cuốn sách dày ngót ngàn trang khái quát thành 104 dạng quà không thể nhận được (từ) vì thực chất là hối lộ; chỉ có 5 dạng quà mà tác giả phân tích rằng nó chứa đựng "đạo nghĩa" ở bên trong ví như con cái biếu các đấng sinh thành, học trò biếu thầy, người chịu ơn biếu ân nhân và cả những món quà trích ra từliiệu quả do người làm quan mang lại v.v… Ông đặt tên sách là "Từ thụ yếu quy" (Những quy định chính yếu cho việc nhận hay không nhận). Cất công soạn công phu như thế mà cuối cùng Đặng Huy Trứ cũng chỉ dám dùng sách để răn dạy con cháu trong nhà vì lường trước được những biến báo khôn lường của các thủ đoạn hối lộ trong đời sống thực tiễn… Lại nhớ đến Bác Hồ, ngay sau khi thành lập bộ máy chính quyền sau ngày Cách mạng thành công đã lên tiếng cảnh báo và tỏ rõ quyết tâm chống quan liêu và hối lộ. Nhà lãnh đạo coi đó là một nhiệm vụ thường xuyên và vô cùng khó khàn để giữ vững được bản chất cách mạng của nhà nước và đội ngũ công chức…
Cho đến nay, thực tiễn vô cùng phức tạp và cuộc đấu tranh ngày càng quyết liệt trong hơn sáu mươi năm qua càng chứng thực điều đó. Vào dịp Xuân 1946, trước Tết Bính Tuất ít ngày, khi nhận mấy trái cam do người dân gửi biếu, Bác Hồ làm bài thơ cảm ơn người tặng cam, trong đó có câu:
"Cảm ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?"
Bài thơ mượn cách chơi chữ để giãi bày cả tâm trạng chung và riêng của dân tộc đang đứng trước thử thách lớn, nhưng cũng phần nào phản ánh một cách ứng xử tế nhị của một vị chủ tịch nước ngay cả với một món quà tình nghĩa của người dân.
Thế mới biết quà cáp luôn là một vấn đề nan giải trong đời sống và sự phân định giữa một hành vi văn hoá và phi văn hoá thật khó lường. Điều đáng nghĩ ngợi là nói cho cùng thì quà biếu tự thân nó vốn là một nét đẹp trong văn hoá ứng xử đã bị biến dạng trong sự phức tạp của đời sống. Đấu tranh chống lại sự trá hình của nạn hối lộ chính là một nhu cầu của đời sống để làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
Nhà sử học Dương Trung Quốc “Văn hoá quà biếu”
Lao Động Cuối tuần số 38 Ngày 20/09/2009
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng Xà Nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành rất hay
Phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng Xà Nu của nhà [...]
Th11
Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của nữ sĩ Xuân Quỳnh rất hay
Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của nữ sĩ Xuân Quỳnh Bài [...]
Th11
Em hãy nêu cảm nhận về bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu rất hay
Em hãy nêu cảm nhận về bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu [...]
Th11
Phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao rất hay
Phân tích hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà [...]
Th11
Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng rất hay
Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến của tác [...]
Th11
Phân tích hình tượng con sông Đà trong tùy bút Người Lái Đò Sông Đà của tác giả Nguyễn Tuân rất hay
Phân tích hình tượng con sông Đà trong tùy bút Người Lái Đò Sông Đà [...]
Th11