Về bài ca dao Tát nước đầu đình

Đề bài: Về bài ca dao Tát nước đầu đình.

Hãy đặt bài ca vào môi trường diễn xướng của nó, trong một cuộc trò chuyện giao duyên giữa đôi nam nữ. Chàng trai mở lời:

Hôm qua tát nước đầu đình

Cô gái Việt nào trên đồng quê ngày trước nghe câu hát mà chẳng bồi hồi khi được gợi lại cái không khí lao động hội hè đã trở thành một cảnh tượng náo nức suốt một thời tuổi hoa tuổi nụ (Các anh tát nước gàu giai, Chúng em hai đứa tát hai gàu sồng ; Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi…). Mà đây lại là tát nước đầu đình. Đầu đình là chốn tụ hội đông vui của trai thanh gái lịch, là nơi phường phố của làng quê, nơi hẹn hò tình duyên của bao lứa đôi, từ xưa, đã ngân lên câu hát xao xuyến lòng người: Qua đình ngả nón trông đình, Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu…

Từ khung cảnh trữ tình ấy, tín hiệu giao duyên cất lên tình tứ:

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.

Nhưng có thật như thế hay không? Cách nói của chàng trai khiến ta tin là thật và chắc cô gái mới nghe cũng tin là thật. Thời gian xác định. Không gian xác định. Đến vị trí cái áo bỏ quên cũng xác định. Và tất cả đều gắn với công việc làm ăn của chàng trai một cách tự nhiên. Không tin sao được? Nhưng, trong cái bối cảnh mà ta đa tin là sẽ không hề nguỵ tạo kia, bỗng thấy đong đưa một cành hoa sen – cái đong đưa rất là hữu lí đã khiến ta phải nghi ngờ. Phải rồi, sen làm gì có cành, mà hoa sen vốn mảnh mai, mềm yếu, có ai vắt áo lên nó bao giờ? Cái áo bỏ quên chẳng qua cũng chỉ là một cái cớ để chàng trai vào đề với cô gái, nó chính là một mô-típ thường thấy trong lời mở đầu những khúc hát giao duyên. Không hề có chuyện bỏ quên áo để đến xin, cũng như không hề có chuyện cởi áo cho nhau, cởi nhần cho nhau trong những câu ca khác. Vì vậy, nếu thử tưởng tượng hoàn cảnh diễn xướng của bài ca dao, ta sẽ thấy hiện lên cái long lanh tình tứ của những con mắt liếc và cái nụ cười ngụ ý biết cả rồi…. ấy thế mà người đọc không mấy ai căn vặn. Hoa sen làm gì có cành, mà lại tiếp nhận hình ảnh này một cách tự nhiên như là một cách nói hoa mĩ, làm đẹp lòng người nghe (trong tình yêu thường có những cách nói hoa mĩ rát đáng yêu như vậy). Vì sao có nghịch lí này? Vì trong cái cớ giả lại có cái tình thật của chàng trai, và hơn ai hết, những cô gái nhạy cảm như cô gái trong bài ca này hẳn phải biết điều đó.

Lời mở đầu, tuy lấp lửng, nhưng như thế là trót lọt. Chàng trai tỉnh khô, phát một tín hiệu thăm dò:

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà?

Câu trên ý tứ, nhã nhặn bao nhiêu thì câu dưới lại thắt buộc táo bạo, bất ngờ bấy nhiêu. Và tất cả đều là không thực. Đã không có chuyện bỏ quên áo, thì làm gì có chuyện được, xin, chuyện để làm tin trong nhà. Nhưng chàng trai vẫn cứ tảng lờ như không, vẫn tỉnh khô, vẫn nói một cách lấp lửng… để thăm dò, và nhất là để thắt buộc, lôi cô gái vào cuộc, tạo nên một sự ràng buộc thật khó chối từ. Cái duyên, cái nam tính, cái tế nhị, thông minh, chính là ở chỗ này. Và bao trùm lên tất cả là nỗi lòng chân thật, khát khao, là tình yêu thiết tha của chàng trai đối với cô gái. Ở cái tuổi trăng tròn, khoé mắt và nụ cười đều biết nói, làm sao mà cô không cảm được điều này, không nhận ra mục đích của cuộc trò chuyện? Làm sao mà cô không bị chấn động trước tấm lòng thành thực và phong độ đường hoàng của chàng trai?

Xem thêm:  Phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng Xà Nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành rất hay

tat nuoc dau dinh 2 - Về bài ca dao Tát nước đầu đình

Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen

Còn đang trong tâm trạng bàng hoàng của giây phút đầu tiên nhắp men say tình yêu, cô đã nghe thánh thót bên tai những lời ngọt ngào dễ thương:

Áo anh sứt chỉ đường tà 

Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu 

Áo anh sứt chỉ đã lâu 

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng. 

Bốn câu nói liền một mạch như rượu ngọt kề môi uông liền một hơi khiến trái tim cô rung động, lòng cô xao xuyến. Còn chàng trai, nhờ cái áo bỏ quên (do bịa ra làm cớ) đã tuôn ra một mạch gia cảnh của mình và nói trôi được cái điều khó nói nhất trong buổi mới lạ lùng này: Vợ anh chưa có… Ta có thể tin – và cô gái cũng vậy – những điều anh nói là có thực, là thành thực. Nhưng nếu xét trên mục đích xin áo thì đoạn này quả là có nhiều chi tiết thừa. Ừ thì cho rằng phải mô tả đặc điểm cái áo để xin, nhưng sao lại kể lể gia cảnh mẹ già, vợ con ; lại nữa, cái áo mới sứt chỉ hay sứt chỉ đã lâu thì có liên quan gì đến việc xin áo? Đúng là thừa, nhưng chỉ thừa trong việc xin áo, còn lại rất cần thiết trong việc gợi tình thương và mở lối cho tình yêu trong lòng cô gái, Cái áo sứt chỉ được nhắc lại hai lần thật tế nhị và đầy ý nghĩa. Áo anh sứt chỉ thôi, chứ đâu có rách, nghĩa là chỉ đủ gợi tình thương chứ không gợi lòng thương hại, vì tình thương thì mới dẫn đến tình yêu, còn lòng thương hại thì làm sao có ái tình? Đã sứt chỉ đường tà lại sứt chỉ đã lâu, rất cần một bàn tay giúp đỡ, một tấm lòng bù đắp. Câu thơ rung động trái tim người con gái, đánh thức dậy trong cô thiên chức đường kim mũi chỉ trong cuộc sống gia đình. Cái áo (do anh sáng tạo ra) đã giúp anh nói lên được nhiều điều khó nói một cách khá trôi chảy. Nhưng anh biết dừng lại đúng lúc để chuyển cách xưng hô thật khéo léo: 

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.

Còn cô nào ở đây nữa ngoài người đang nói chuyện với anh? Nhưng cô ấy vẫn có thể hiểu là một cô nào đấy… cô Mơ, cô Mận, cô Đào chẳng hạn. Cách xưng hô vừa xác định vừa phiếm chỉ đã lọt tai cô gái, làm cho câu chuyện nói việc trăm năm trở nên kín đáo, tế nhị, và dù có cả thẹn đến đâu, cô vẫn có thể nán lại nghe anh kể tiếp (Trong trường hợp này, nếu thay từ cô ấy bằng từ em xác định, thì cô gái có thể đỏ mặt lên, ngúng nguẩy bỏ đi, và việc tỏ tình sẽ thất bại). Như vậy là, một lần nữa, cái cách xưng hô lấp lửng này của anh đã thành công. Thế mới biết, trong tình yêu người ta đến với nhau nhiều khi không phải bằng những đường thẳng, những lời nói trực tiếp, mà bằng những đường cong giai điệu (chữ dùng của Vưgôtxki), những cách nói lấp lửng, có duyên… (Cái ngày em chưa lấy chồng, Đường gần anh cứ đi vòng cho xa…). Miễn là cái tình phải chân thật, cái lòng phải sáng trong!

Cái từ cô ấy đã mở đường cho bài ca đi nốt đoạn cuối. Cô ấy đã chuyển bài ca sang một hướng khác: không còn lai cô gái được áo để đến xin mà đã trở thành cô gái khâu giúp áo để trả công. Trả lại áo thì chỉ là ơn thôi nhưng khâu giúp áo thì mới là tình. Cái nút thắt của bài ca là ở đây và cái mở nó cũng ở từ này. Và khi đã khơi được tảng đá thì dòng suối tuôn chảy ào ạt:

Xem thêm:  Soạn bài Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan

Khâu rồi anh sẽ trả công 

Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho 

Giúp cho một thúng xôi vò 

Một con lợn béo, một vò rượu tăm

Giúp cho đôi chiếu em nằm 

Đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo 

Giúp chi quan tám tiền cheo 

Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

Chàng trai đã nói liền một hơi những lời chân tình, hào phóng, đẹp đẽ. Nếu mục đích chỉ là xin áo thì những lời lẽ đẹp đẽ này hoàn toàn thừa và trở nên vô nghĩa (xin áo sao lại nói chuyện đồ sính lễ?), nhưng nếu là bài ca tỏ tình thì đây lại là những điều không thể thiếu, bởi vì tình yêu cuối cùng phải dẫn đến hôn nhân và đó là một quan niệm tiến bộ của người bình dân xưa trong ca dao. Ai chứ cô gái Việt ngày xưa thì lại càng rất quan tâm đến vấn đề này. Và chàng trai đã đáp ứng được điều đó bằng cách dựng lên trước mắt cô cả một lễ cưới chu tất với những đồ sính lễ hậu hĩnh quá chừng. Cô gái có quyền hãnh diện khi lễ cưới của mình được chuẩn bị đầy đủ nồng hậu đến mức đó. Đến đây, từ cô ấy đã chuyển sang từ em nồng, nàn, tha thiết:

Giúp cho đôi chiếu em nằm 

Đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo.

Chàng trai trân trọng cô đến chừng nào và cũng yêu cô biết bao! Tám câu thơ liền mạch, nhạc điệu dường như mạnh và nhanh hơn tạo nên ấn tượng về một sự viên mãn hân hoan.., Tất cả đều tròn trịa, tất cả đều đầy đặn nói lên cái ước mơ nên vợ nên chồng, mong muốn cuộc sống sung túc của nhân vật trữ tành trong bài ca.

Nhưng chớ vội tưởng rằng chàng trai là con nhà giàu có. Lễ cưới quá ư đầy đủ, đồ sính lễ thật là tuyệt diệu! Không phải. Đó chỉ là sức mạnh của tình yêu, ước mơ táo bạo của tuổi trẻ, và ở đây, còn là tấm lòng chân thành của một chàng trai đang yêu đối với cô gái mà mình trân trọng. Giống như ước mơ xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân, như giấc mơ đẹp về đám cưới của chàng trai kinh thành muốn huy động đặc sản của nhiều vùng đất nước vào hôn lễ của mình. Tình yêu bao giờ cũng làm cho họ đẹp thêm lên, hướng về phía trước, và cảnh tượng lễ cưới trong bài ca này đã được viền quanh bằng những sắc màu lãng mạn.

Nếu như hình ảnh lễ cưới làm cho bài ca thêm ý vị, đậm đà thì cái sắc màu lãng mạn của nó đã làm cho lời tỏ tình thêm nồng đượm men say. Nhưng có lẽ cái hay nhất, cái thú vị nhất ở đây vẫn là cái lối nói lấp lửng rất có duyên của chàng trai thông minh, tế nhị. Cái nút đã được cởi rồi, không còn là chuyện xin áo nữa mà là chuyện trả công cho người khâu giúp áo bằng cách khi em lấy chồng thì anh sẽ giúp cho … cả một lễ cưới chu tất và hậu hĩnh! Nhưng em lấy ai? Chàng trai chỉ buông một câu lấp lửng:

Khâu rồi anh sẽ trả công 

Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho… 

Không nói rõ là lấy ai nhưng lời ca vẫn đem lại cái cảm giác hương bay gió thoảng của một con người tình tứ có duyên. Anh đã có vợ hay chưa, Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào… Đó là con người mà cô nhận khâu giúp chiếc áo và sẽ trả công cô tất hậu. Chỉ khâu lại một đường tà sứt chỉ mà trả công bằng cả một lễ cưới hậu hĩnh! Sao lại thế nhỉ? Saolại có con người chu đáo và tốt bụng đến thế? Mà sao anh ấy chỉ giúp cho mình? Còn mình thì đã có ai đâu mà cưới? … Bằng linh cảm của người con gái, cô bỗng nhận ra cái điều kì diệu ấy: Còn ai nữa, chính là anh ấy muốn cùng mình kết duyên, nên vợ nên chồng, và anh ấy sẽ chuẩn bị một lễ cưới thật là chu đáo! Trong môi trường diễn ra khúc hát giao duyên, hẳn là lúc này, cô gái sẽ lườm yêu chàng trai một cách đầy ngụ ý: tôi thừa biết cái kiểu muốn ăn gắp bỏ cho người của anh rồi, nhưng tôi cũng không… phản đối đâu.

Xem thêm:  Cây phượng

Bài ca mở đầu bằng một tín hiệu giao duyên (chiếc áo bỏ quên) và kết thúc bằng một tín hiệu hôn nhân: buồng cau. Từ lời tỏ tình mà đi đến hình ảnh một đám cưới. Lãng mạn, bay bổng mà vẫn thiết thực, cụ thể. Tinh tế, thông minh mà hồn nhiên, chân thành. Đó là những nét đẹp dân gian của bài ca nói lên quan niệm tiến bộ trong tình yêu của người bình dân Việt Nam: tình yêu phải trong sáng, chân thành, tế nhị nhưng phải dẫn tới hôn nhân cụ thể để xây dựng gia đình hạnh phúc. Một nội dung tốt đẹp, một tình cảm lành mạnh như vậy đã làm cho bài ca mãi qua năm tháng

Nhưng cái còn đọng lại trong lòng ta sâu đậm nhất, và ngân nga mãi trong tâm hồn ta là vẻ đẹp nghệ thuật của hòn ngọc thơ dân gian này. Đó là cái tứ thơ, cái mạch thơ của khúc hát tỏ tình: từ cái cớ bỏ quên áo đến việc xin áo, đến việc nhờ khâu giúp áp (kết hợp với việc giãi bày gia cảnh) cuối cùng là việc trả công bằng một lễ cừới hậu hĩnh: tất cả đều tự nhiên như cuộc sống thường ngày nơi thôn dã, đều hồn nhiên, trong sáng như cây cỏ, đất trời. Dễ thường ít có cái tứ thơ nào lại đặc sắc, tài tình, sáng tạo như vậy, cái mạch thơ nào vừa bất ngờ lại vừa uyển chuyển, hợp lí đến thế. Đó còn là cái lối nói lấp lửng, tài hoa, duyên dáng của những con người sống nơi đồng nội, duyên lặn vào trong nhưng lời nói thì vẫn gió đưa ngọt ngào… Và phải chăng chính cái lỗi nói lấp lửng này đã tạo nên cốt lõi cho thi pháp một bài ca tỏ tình, một khúc hát giao duyên? Cái tứ thơ, cái thi pháp này lại gắn với những hình ảnh đậm đà sắc màu dân gian của những làng quê đất Việt: cành tát nước đầu đình với cái áo trên cành hoa sen, rồi cái áo sứt chỉ đường tà, và cuối cùng là một đám cưới truyền thống với những xôi vò, lợn béo rượu tăm… Những hình ảnh đậm nét nhất – tuy không được mô tả trực tiếp nhưng vẫn hiện lên rất rõ trong bài ca – là hai con người trong cảnh giao duyên: một chàng trai thông minh, táo bạo ngân lên khúc hát tỏ tình và một cô gái tinh tế, nhạy cảm đáp lại bằng con mắt liếc long lanh tình tứ và nụ cười đầy ngụ ý… Không biết có họa sĩ nào đã vẽ nên hai con người này trong bức tranh Bài ca xin áo? Chỉ biết rằng, vẻ đẹp của họ cứ dần dần được hiện lên qua những dòng thơ… (mà lạ chưa, nhà thơ dân gian không hề mô tả họ trong bài ca).

Cho nên, thưởng thức vẻ đẹp của bài ca dao này cũng giống như xem hoa quỳnh nở ban đêm. Không gian phải yên tĩnh, lòng người phải thanh thản, tâm trí phải tập trung thì mới nhìn thấy hết vẻ đẹp của nó: bài ca như một nụ hoa cứ nở dần, nở dần để lộ ra cái nguỵ thơm tho, kín đáo bên trong, phảng phất mùi hương mê say mà không sao nắm bắt được. Mỗi ý, mỗi tứ đều thấp thoáng cái bóng ẩn hiện của nó, phải đọc kĩ mới thấm thía.

Trong đời chúng ta, đã bao lần đọc bài ca tỏ tình này, mà vẫn chưa thấy hết cái hay của nó! 

Thu Huyền