Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài ca dao Tát nước đầu đình

Đề bài : Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài ca dao Tát nước đầu đình

Trong kho tàng ca dao – dân ca phong phú của dân tộc ta tình yêu nam – nữ là một đề tài rất phổ biến. Có thể nói những câu ca dao hay nhất, những khúc hát đẹp nhất phần lớn đều nói về tình yêu với những biểu hiện khác nhau. Tát nước đầu đình là bài ca dao tỏ tình, là khúc nhạc đầu cho một bản tình ca. Ở đây, chàng trai – nhân vật trữ tình đã hiện lên với vẻ tuyệt vời, vừa tha thiết vừa chân thành vừa thông minh tinh tế. Chính nhân vật này góp phần tạo nên vẻ độc đáo của bài ca.

Người xưa thường nói vạn sự khởi đầu nan, tức mọi việc khó nhất là ở khâu mở đầu. Mở đầu cho một câu chuyện tỏ tình vốn là một câu chuyện hết sức tế nhị, kín đáo thì lại càng khó khăn gấp bội. (Có lẽ, vì thế nên từ xa xưa, ông bà ta đã phải nhờ cậy vào người làm mối để tạo cầu nối giữa đôi trai- gái, để giúp họ (nhất là bên người con trai) vượt qua được bước đầu khó khăn này). Tuy vậy, tình yêu vốn huyền diệu, nên ở mỗi thời, ở mỗi hoàn cảnh, người con trai thường có cách thức riêng để đạt mục đích ấy, đúng với nhà thơ Xuân Diệu đã nhận xét: Khi trong lòng đã có chút tình ý, người ta bỗng nhiên có những sáng kiến, những ve vãn, những thông minh, những hát ca…. Để làm quen, để bắt chuyện với người con gái mà mình đã thầm yêu vụng nhớ, có người ngỏ lời xin gáo nước:

Hỡi cô gánh nước quang mây 

Cho anh gáo nước tưởi cây ngô đồng

Người thì lại tình nguyện xin được cùng cắt cỏ:

Cô kia cắt cỏ một mình

Cho anh cắt với chung tình làm đôi.

Cô còn cắt nữa hay thôi,

Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng

Còn chàng trai – nhân vật trữ tình trong bài ca dao này đã khéo léo tìm được cái cớ là xin cái áo bỏ quên. Anh ta mở đầu:

Hôm qua tát nước đầu đình 

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.

Như vậy, việc bỏ quên cái áo được giới thiệu thật cụ thể: có thời gian (hôm qua), có không gian (đầu đình) và gắn với một công việc lao động quen thuộc của người nông dân là tát nước. Vị trí cái áo cũng được xác định cụ thể trên cành hoa sen. Câu chuyện tưởng như có lí, thậm chí được trình bày khá chính xác, nhưng kỳ thực lại rất vô lí, khiến người đọc bài ca phải băn khoăn: Sen làm gì có cành? Có ai dại dột để áo lên hoa sen yếu ớt? Thì ra, đây chỉ là cái cớ được chàng trai sáng tạo, để có cơ hội giãi bày lời tỏ tình mà mình đã ấp ủ từ lâu. Và điều quan trọng là những câu mở đầu này gợi ra một khung cảnh quen thuộc, có những hình ảnh dường như đã trở thành ước lệ khi nói về nông thôn Việt Nam. Đình làng vốn là nơi thờ cúng, song đồng thời nó cũng là nơi diễn ra những hội hè đình đám, là nơi gặp gỡ hẹn hò của bao thế hệ trai gái quê ta. Chả thế, từ xa xưa đã có câu hát xao xuyến lòng người:

Xem thêm:  Phân tích bức tranh quê và tấm lòng yêu đời của Hàn Mạc Tử trong Đây thôn Vĩ Dạ

Qua đình ngả nón trông đình 

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.

Bên cạnh hình ảnh đầu đình còn có những hình ảnh của hoa sen trắng trong bình dị gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

tat nuoc dau dinh - Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong bài ca dao Tát nước đầu đình

Tát nước đầu đình là bài ca dao tỏ tình, là khúc nhạc đầu cho một bản tình ca

Những hình ảnh nói trên ít nhiều đã tạo nên ở cô gái và người đọc một trường liên tưởng thẩm mĩ và chứng tỏ nhân vật chàng trai ở đây là một nông dân vừa gắn bó với nghề nông vừa không kém phần tinh tế trong việc tạo nên cái cớ đẻ tiếp cận cô gái. Hơn nữa, nếu đặt hai câu mở đầu trong hoàn cảnh diễn xướng, ngoài ngôn ngữ xủa bài ca, còn có ngôn ngữ của đôi mắt tứ tình, của nụ cười đằm thắm thì không ai nghĩ rằng, cô gái sẽ chỉ ra cái vô lí của chàng trai, trái lại chắc rằng cô sẽ tiếp nhận câu chuyện một cách nói hoa mĩ làm đẹp lòng người nghe của một chàng trai tinh tế, có văn hoá giao tiếp. Vả lại cô gái có lạ gì cách nói hoa mĩ ấy. Nó vẫn thường thấy trong ca dao, giúp trai gái bộc bạch những tình cảm của mình một cách kín đáo đáng yêu:

Bây giờ mận mới hỏi đào:

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa:

Xem thêm:  Dàn bài: cảm nhận vẻ đẹp bức tranh giao mùa trong bài thơ “Sang thu”

Vườn hồng cố lối, nhưng chưa ai vào.

Như thế cũng có nghĩa là lời mở đầu đã được chấp nhận, bởi sự khéo léo, tinh tế của chàng trai. Tiếp theo, anh ta đưa ra lời ướm thử:

Em được thì cho anh xin 

Hay là em để làm tin trong nhà?

Câu đầu buông ra tự nhiên. Người để quên hỏi vu vơ, may ra nhận được vật cũ cũng là lẽ thường tình. Nhưng đến câu thứ hai rõ ràng có sự chuyển biến đột ngột, bất ngờ, tạo nên một sự ràng bược thật khó chối từ. Và nghiễm nhiên, cô gái bỗng trở thành đương sự, được đưa vào trong cuộc một cách tự nhiên. Ở cái tuổi trăng tròn, khoé mắt và nụ cười đều biết nói, cô hiểu được mục đích cuộc trò chuyện này, và biết rằng mình đang đối diện với một chàng trai thông minh, tế nhị nhưng cũng đầy chất nam tính vừa hào hoa vừa chân thật, vừa láu lỉnh vừa rất đỗi táo bạo và tự tin…

Có lẽ cô gái khó tránh khỏi sự lúng túng trước sự dắt dẫn câu chuyện quá đột ngột của chàng trai. Dường như đoán được tâm trạng ấy, chàng trai liền kể tiếp câu chuyện với những lời thật chân thành và ngọt ngào:

Áo anh sứt chi đường tà 

…áo anh sứt chỉ đã lâu.

Như trên đã nói chiếc áo bỏ quên chỉ là cái cớ để chàng trai giãi bày lời tỏ tình. Đến đây, hình ảnh chiếc áo lại được nhắc đến một lần nữa. Có phải từ xa xưa, tấm áo, chiếc khăn là những vật dụng hàm chứa nhiều khả năng làm cho con tim người thiếu nữ dễ dàng rung động? Bởi có lẽ chúng đánh thức thiên chức vá may của họ trong cuộc sống gia đình. Trong ca dao không hiếm những câu, người phụ nữ nói về những tấm áo thật cảm động như:

Chồng ta áo rách ta thương 

Chồng người áo gấm xông hương mặc người.

Hay:

Áo xông hương của chồng vắt mắc 

Đêm em nằm, em đắp lấy hơi.

Do đó, có thể nói, chàng trai hoàn toàn có dụng ý khi nhắc đến chiếc áo. Và điều đáng lưu ý nữa là sự nhắc lại này được diễn ra hết sức tự nhiên. Vì bất cứ ai muốn nhận lại của đã mất thì việc đầu tiên là phải mô tả vật đó. Đặc điểm lớn nhất của tấm áo mà anh con trai nói đến là sứt chi ở đường tà anh không nói màu dài rộng ra sao; áo anh chỉ sứt chỉ và sứt chỉ đã lâu, chứ không bị rách. Như vậy, anh chỉ thiếu người khâu vá, mong có người khâu vá từ lâu chứ không phải là kẻ túng bấn. Anh gợi tình yêu chứ không phải lòng thương hại. Bởi lẽ từ thương hại đến coi thường chỉ là gang tấc, mà bị coi thường thì làm sao có tình yêu. Đến đây, một lần nữa, cô gái và người đọc không thể cảm nhận được tình cảm thiết tha và tư thế đàng hoàng của nhân vật trữ tình trong khi bày tỏ tình yêu.

Xem thêm:  Cảm nhận của em về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên rất hay

Nhưng, tất cả những chi tiết nêu trên chẳng qua chủ yếu cũng chỉ là phần dẫn dắt để chàng trai đưa ra được thật đúng lúc thông tin quan trọng nhất sau đây:

Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu.

Nhờ chiếc áo sứt chỉ anh giới thiệu được trọn vẹn nét chính yếu trong bản sơ yếu lí lịch của mình, giải đáp được nỗi băn khoăn thường thấy của những cô gái trước khi nhận lời đính hôn. Điều quan trọng hàng đầu là chưa có vợ, anh vẫn hoàn toàn đơn chiếc! Anh có mẹ già, tức là có một nương tựa tuyệt vời: Mẹ già bằng ba lần cửa. Gia đình anh ổn định; quá khứ và hiện tại của anh không có điều gì bất thường khiến cô gái phải đắn đo, trái lại nó có thể hứa hẹn một cuộc sống ấm êm hạnh phúc.

Đến đây, cô gái chắc đã có ít nhiều rung động, song cũng khổ tránh khỏi sự e thẹn. Chàng trai liền chuyển cách xưng hô cụ thể, xác định anh và em, bằng cách sử dụng đại từ ngôi thứ ba cô ấy, như một đại từ phiếm chỉ, nhưng vẫn khá xác định trong văn cảnh cũng như trong mạch trữ tình của bài ca:

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.

Mặc dù cô ấy ở đây không thể có cô nào khác ngoài người đang nói chuyện với anh. Như thế, chính từ cô ấy làm cho câu chuyện về việc trăm năm thành kín đáo, tế nhị, giữ người con gái, cho dù là người cả thẹn, vẫn có thể nán lại nghe anh nói tiếp, ở thời điểm này chỉ cần thô vụng một chút, xuồng xã một chút là người con trai có thể trở thành vô duyên trước người con gái đáng yêu ấy…

Thu Huyền